Việt Nam là nước với hơn 70% dân số làm nông nghiệp và nông sản cũng là thế mạnh trong xuất khẩu của chúng ta. Một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa khi các dòng thuế giảm về 0%. Thị trường EU là thị trường hấp dẫn nhưng cũng đầy tính cạnh tranh. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và tận dụng tối đa những lợi ích do Hiệp định tự do mang lại, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao hiểu biết về quá trình phân phối và yêu cầu của thị trường này, từ đó hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh.
Cuốn “Sách hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của lĩnh vực phân phối tại liên minh châu Âu” – tác giả Andras Lakatos – Nguyễn Cẩm Nhung (Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công Thương) cung cấp nhiều thông tin quan trọng, thiết thực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về hệ thống phân phối châu Âu, cụ thể đối với những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ gỗ…
Theo như những thông tin phân tích, nhận định của tác giả về thị trường EU, lĩnh vực phân phối do hai phân nhóm thống lĩnh phần lớn các hoạt động là bán buôn tự phục vụ và kinh doanh bán lẻ. Trong ngành công nghiệp bán lẻ, thực phẩm và những sản phẩm có vòng đời ngắn được bán thông qua những cửa hàng tạp hóa đã tạo nên cấu phần lớn nhất cho tổng doanh số.
Trong khối EU, cấu trúc truyền thống của hệ thống phân phối: “Các nhà sản xuất => đại lý bán buôn => nhà sản xuất khác/ đại lý bán lẻ => người tiêu dùng” hiện nay không còn là đặc trưng cho chuỗi giá trị ở đây nữa. Các đại lý bán buôn có thể mở rộng hoạt động của họ theo hướng đi xuống là bán lẻ, hoặc các nhà bán lẻ tiến hành một số hoạt động bán buôn và sản xuất (thông qua sản phẩm riêng) để nâng cao lợi nhuận.
Ngoài ra, công nghệ thông tin giúp các nhà bán lẻ tinh chỉnh nhu cầu danh mục hàng hóa của họ và cắt giảm vai trò của những nhà bán lẻ chuyên ngành, góp phần làm gia tăng xu hướng hội nhập về chiều sâu, các dây chuyền bán lẻ liên tiếp bỏ qua các đại lý bán buôn và xử lý trực tiếp với các nhà sản xuất.
Ranh giới giữa việc sản xuất, bán buôn và bán lẻ luôn giao động, phụ thuộc vào tình hình kinh tế tại một thời điểm và những quyết định của cá nhân hay chiến lược công ty. Việc áp dụng phương pháp phân phối kịp thời, đơn lẻ hoặc chính sách song song, tìm nguồn cung ứng đa quốc gia sẽ làm tăng việc sử dụng hợp đồng sản xuất kết hợp đặt hàng, giảm bớt vòng quay sản xuất, tăng cường quan hệ hợp tác giữa nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ.
Nhìn chung, lĩnh vực phân phối của các nước thành viên EU đều theo nét đặc trưng chung của tất cả các nước. Sự khác biệt chính nằm hầu hết trong việc phân nhánh đặc thù ở khâu bán lẻ chủ yếu theo thói quen của người tiêu dùng và luật lệ của các nước.
Trong khối EU, Đức có ngành bán buôn lớn nhất (giá trị gia tăng là 121,9 tỉ euro vào năm 2010), theo sau là Pháp (77,2 tỉ euro), Anh (68,7 tỉ euro) và Ý (58,2 tỉ euro). Tại Đức, thị trường thực phẩm và nước giải khát lớn nhất châu Âu, ngoài phần nhỏ sử dụng sản phẩm trong nước thì nhìn chung Đức nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm lương thực.
Biểu đồ giá trị gia tăng ngành bán buôn của các nước đứng đầu trong EU năm 2010
Vậy làm sao để ta phân phối nông sản vào thị trường Đức?
Nghiên cứu và phân tích thói quen của thị trường này, tác giả cuốn sách đã đưa ra nhận định: rất ít các nhà bán lẻ nhập khẩu sản phẩm trực tiếp từ các nước khác, hầu hết họ mua hàng từ các nhà phân phối chuyên về thực phẩm nhập khẩu. Những nhà nhập khẩu chuyên ngành này có kiến thức sâu về tất cả các điều kiện nhập khẩu: chứng chỉ nhập khẩu cần thiết, nhãn mác đóng gói, chịu trách nhiệm giao hàng, thực hiện các thủ tục hải quan, kho bãi và phân phối sản phẩm trong nước.
Để xuất khẩu nông sản vào thị trường lớn này thì có thể làm theo 1 vài cách được đề cập trong sách như: tìm một đại diện tại Đức để thu xếp và quảng bá sản phẩm; Hoặc nếu nhà cung cấp sở hữu sản phẩm độc đáo, đặc tính cụ thể hoặc có lợi ích dễ thấy về chất lượng, giá cả thì có thể chào bán trực tiếp với các công ty bán lẻ tại Đức. Một các hiệu quả khác để tìm nhánh phân phối hợp lý cho sản phẩm là tham gia vào nhiều hội chợ chuyên ngành thực phẩm ở Đức.
Một hướng khác cho kênh phân phối trong nước là tập trung vào tập đoàn METRO – Đức, đây đại lý bán lẻ lớn thứ 4 thế giới. Tại METRO Cash & Carry, có tới 90% sản phẩm được mua từ nhà sản xuất và cung cấp địa phương. Bằng cách trở thành nhà cung cấp của METRO SOURCING, hàng hoá của nhà sản xuất và cung cấp địa phương có thể được bán trong mạng lưới rộng lớn của METRO với hơn 2.000 cửa hàng ở 30 quốc gia. Thông tin có thể tìm thấy tại https://www.metro-sourcing.hk/business-partners. Tại đây có hệ thống (MBS) của METRO được thiết lập để tạo kênh liên hệ, bạn gửi hồ sơ của mình thông qua hệ thống này, hoặc gọi cho họ để được hướng dẫn.
ĐTN
Đang Hoạt Động : 33
Hôm Nay : 89
Hôm Qua : 108
Số Lượt Truy Cập : 2084