Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ dần dỡ bỏ, các quốc gia nhập khẩu có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản phi thuế quan như là công cụ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước. Các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch dịch động thực vật (SPS) hay các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thường được xem là những “rào cản” cho các quốc gia xuất khẩu.
Ngày 28/9/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế thuộc Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Lương thực thực phẩm Thành phố (FFA) tổ chức Hội nghị “Phổ biến các tiêu chuẩn quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Ông Cao Xuân Quân – Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam - Bộ Khoa học Công nghệ đã trình bày tại hội nghị về các qui định về nhãn mác, bao bì sản phẩm nông thủy sản của thị trường Liên minh châu Âu (EU) và một số thị trường trọng điểm Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hoa Kỳ và Trung Quốc mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình thực hiện các giao dịch thương mại.
Ông cho biết Văn phòng TBT Việt Nam có chức năng tư vấn, hỗ trợ, kết nối thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các đối tác nước ngoài đang có nhu cầu xuất/nhập khẩu nông sản từ Việt Nam ra nước ngoài. Do đó, văn phòng TBT Việt Nam có thể hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong và ngoài nước cũng như tư vấn, hướng dẫn các thông tin về rào cản kỹ thuật, các quy tắc, qui định chung của nước đang có nhu cầu nhập khẩu.
Tiếp nối chương trình hội nghị, Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đã trình bày về các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA và những lưu ý cho doanh nghiệp về “Quyền và nghĩa vụ” như: An toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh, qui định về chất lượng bao bì, kiểm soát dịch bệnh, ... Điểm cần lưu ý trong Hiệp định SPS là không yêu cầu các quốc gia áp dụng 1 tiêu chuẩn nhất định, mỗi quốc gia có thể xây dựng hệ thống SPS phù hợp với điều kiện từng quốc gia, vùng miền của mình.
Hiện tại, Văn phòng SPS Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án Phần mềm tra cứu mã HS của sản phẩm để doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu thông tin, chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ từ EU.
Cập nhật các tiêu chuẩn, quy định của thị trường EU với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc thực vật, Bà Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II - Cục bảo vệ Thực vật - Bộ NN&PTNT đã chia sẻ tại Hội nghị.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản tham dự hội nghị đã đặt nhiều câu hỏi và nhận được lời giải đáp tận tình và lời khuyên hữu ích từ các đại biểu. Chương trình này đã tạo thêm kênh thông tin cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn Thành phố nắm bắt được các qui định, cập nhật thêm các điều khoản, các lưu ý để việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu trong định hướng xuất khẩu sang các thị trường mục tiêu, thích ứng với xu hướng hội nhập sâu rộng. Những quy định khó khăn này lại trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến phát triển bền vững.
Đỗ Thị Nhàn
Đang Hoạt Động : 84
Hôm Nay : 122
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6287