Kỳ 2 - Nông sản, sản phẩm OCOP Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên số: Thách thức và giải pháp phát triển
Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị trường nông sản, sản phẩm OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội hấp dẫn, ngành nông sản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và mở rộng thị trường. Việc hiểu rõ những khó khăn này, từ cạnh tranh ngày càng tăng đến vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm, là rất cần thiết.
# Vẫn tồn tại nhiều thách thức
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển kinh doanh trên sàn TMĐT, nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu và Phát triển, tỷ lệ những sản phẩm chủ lực và sản phẩm nông nghiệp nói chung của TP.HCM tham gia vào sàn TMĐT hiện chỉ đạt khoảng 5%. Đây là một con số rất khiêm tốn, cho thấy rằng việc tiếp cận thị trường điện tử vẫn còn nhiều rào cản.
Nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp đã bắt đầu quảng bá và bán hàng qua mạng xã hội như YouTube và Facebook, nhưng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và đăng ký, quản lý cửa hàng trực tuyến. Những nền tảng này, mặc dù phổ biến, lại không cung cấp các công cụ hỗ trợ đầy đủ cho nông dân trong việc tối ưu hóa quy trình bán hàng. Trong khi đó, livestream đang trở thành một phương tiện hữu ích để kết nối với khách hàng, nhất là đối với các sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả của các phiên livestream, việc chuẩn bị kỹ lưỡng là cần thiết. Nếu không, đơn hàng có thể bị quá tải, gây rối trong quy trình xử lý và làm giảm trải nghiệm của khách hàng.
Hình 1 - Các sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM chiếm tỷ trọng khá thấp trong việc gia nhập đường đua thương mại điện tử
Kinh doanh sản phẩm tươi sống cũng là một thách thức không nhỏ. Những sản phẩm này yêu cầu quy trình bảo quản nghiêm ngặt nhằm duy trì chất lượng và độ tươi ngon. Việc bảo quản không tốt có thể dẫn đến hư hỏng, ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của sản phẩm. Việc thiếu nhân sự có kiến thức về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng và marketing trực tuyến càng làm hạn chế khả năng tiếp cận với khách hàng. Điều này cản trở việc khai thác tiềm năng của TMĐT, khiến nhiều nông dân và doanh nghiệp không thể phát huy hết lợi thế của các kênh bán hàng điện tử.
Ngoài ra, sự gia tăng số lượng nông sản trên các sàn TMĐT cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Nông dân và doanh nghiệp cần nỗ lực hơn để nổi bật trong thị trường này, điều này không chỉ yêu cầu họ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, họ cần đầu tư và kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sự cạnh tranh không ngừng gia tăng buộc các nhà sản xuất phải đổi mới, sáng tạo và phát triển chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
# Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm
Để phát triển bền vững trong kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT, việc hoàn thiện chuỗi cung ứng và cải thiện khâu bảo quản cũng như vận chuyển là điều cần thiết. Các doanh nghiệp và nông dân cần đầu tư vào những công nghệ bảo quản hiện đại để đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm tươi sống, từ đó giảm thiểu tỷ lệ hư hỏng và tăng cường sự hài lòng của người tiêu dùng.
Xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm: việc phát triển các nhãn hiệu địa phương, thay đổi nhận thức về mẫu mã bao bì sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến gần, đến nhanh, hiệu quả hơn tới người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sẽ giúp nâng tầm chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hình 2 – Việc đầu tư vào mẫu mã bao bì sản phẩm sẽ giúp nâng cao trải nghiệm,tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng
Đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sử dụng các kênh truyền thông xã hội và tham gia sàn TMĐT như TikTok Shop, Shopee, Lazada,... giúp nông dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn, tăng cường kết nối giữa người bán và người tiêu dùng.
Các nhà bán hàng cần được hỗ trợ thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn về TMĐT bằng hình thức tham gia các khóa học hàng tháng của các sàn và đào tạo chuyên sâu từ các Sở ban ngành sẽ giúp họ nắm vững kiến thức về thị trường trực tuyến. Bên cạnh đó, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty giải pháp về chuyển đổi số cũng rất quan trọng, giúp áp dụng công nghệ vào kinh doanh hiệu quả.
Hình 3 - Lớp tập huấn online của sàn TMĐT dành cho các nhà bán hàng mới
Sau khi được trang bị kiến thức, họ cần tích cực tham gia các chiến dịch khuyến mãi trên sàn TMĐT như Ngày sale đôi 12/12, Ngày sale giữa tháng và chương trình “Tự hào hàng Việt”, “Chợ phiên OCOP”,.... Những hoạt động này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn nâng cao giá trị thương hiệu và phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp. Sự kết hợp giữa đào tạo và thương mại là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của các nhà bán hàng trong kỷ nguyên số.
Hình 4 – Tham gia các phiên livetream của các sàn thương mại điện tử là cơ hội để quảng bá thương hiệu và tăng doanh số bán hàng
Có thể thấy rằng, TMĐT không chỉ mang lại nhiều cơ hội cho nông sản, sản phẩm OCOP mà còn yêu cầu các nhà bán hàng phải thích nghi và nâng cao kỹ năng để cạnh tranh hiệu quả. Sự hỗ trợ từ các nền tảng TMĐT thông qua các chương trình dành riêng cho hàng Việt và các hỗ trợ từ chính quyền địa phương sẽ là yếu tố quyết định giúp nông dân, doanh nghiệp vượt qua thách thức và phát triển bền vững. Với những nỗ lực này, tương lai của các sản phẩm Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trên thị trường TMĐT hứa hẹn sẽ tràn đầy tiềm năng, góp phần nâng cao đời sống nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.
NTT
Đang Hoạt Động : 20
Hôm Nay : 63
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6228