Dừa xiêm là giống dừa được trồng phổ biến tại miền Tây, đặc biệt là ở tỉnh Bến Tre. Vỏ dừa có màu xanh đậm hoặc màu đỏ, nước có vị ngọt thanh, thể tích từ 250-300ml/trái, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dừa xiêm dễ trồng, thích nghi với điều kiện canh tác khác nhau, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại nguồn thu ổn định cho người trồng. Vì vậy, các mô hình trồng dừa xiêm đang được đầu tư nhân rộng và phát triển lâu dài ở nhiều địa phương.
Hình: Vườn dừa của 2 hộ Lê Minh Mẫn và Bùi Ngọc Thảo tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh
Với diện tích hơn gần 2 ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, anh Lê Minh Mẫn và Bùi Ngọc Thảo đã trồng dừa nhiều năm nay, một trong những hộ tiên phong, mạnh dạn chuyển đổi trồng mía sang trồng dừa, nhân rộng mô hình này và truyền lại kinh nghiệm và kỹ thuật trồng dừa cho bà con nơi đây. Qua trao đổi, anh Thảo cho biết giống dừa xiêm có đặc tính như cây thấp, thời gian trồng đến khi cho trái lần đầu cũng không lâu, khoảng 18 tháng là dừa đã trổ bông và 6 tháng sau là có thể thu hoạch. Theo anh thì dừa xiêm dễ trồng và phát triển khá mạnh, rất thích nghi với vùng đất nhiễm phèn, như điều kiện thổ nhưỡng tại xã Lê Minh Xuân. Để mở rộng mô hình, ngoài bán dừa tươi cho thương lái và bỏ mối cho các cơ sở thu mua, hai anh còn bán thêm dừa giống.
Hình: Chuyên gia đánh giá trao đổi, kiểm tra hồ sơ, điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Năm 2022, với sự phối hợp của phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, Trạm Khuyến nông Bình Chánh - Bình Tân và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ hướng dẫn, tư vấn và chứng nhận VietGAP cho quy trình sản xuất dừa tại 02 hộ trên. Nhờ vậy mà sản phẩm dừa được bán rộng rãi cũng như việc thu mua thuận lợi hơn, góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình, nâng cao đời sống xã hội, tạo ra được nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho con người từ cây dừa, kéo theo kinh tế và đời sống người dân trên mảnh đất nhiễm phèn này được cải thiện đáng kể. Theo thông tin anh Bùi Ngọc Thảo chia sẻ, thu nhập từ mô hình trồng dừa lên đến gần hai trăm triệu đồng mỗi năm, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.
Hình: Khu vực ươm giống và khu vực sản xuất
Để tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn Thành phố. Vừa qua (tháng 10/2023), Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp với địa phương và tổ chức chứng nhận triển khai hoạt động đánh giá giám sát định kỳ theo quy định để kiểm tra việc duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại hộ Lê Minh Mẫn và Bùi Ngọc Thảo. Theo kết luận của chuyên gia đánh giá sau khi kiểm tra các hồ sơ ghi chép, lưu trữ, các yêu cầu điều kiện sản xuất… thì anh Mẫn và anh Thảo đang duy trì đầy đủ các yêu cầu của VietGAP. Hiện nay, anh Mẫn và anh Thảo cũng đang chuẩn bị các hồ sơ để đăng ký cho sản phẩm dừa đạt chứng nhận OCOP tại địa phương nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Hậu Nguyễn
Đang Hoạt Động : 54
Hôm Nay : 88
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6253