Ngày 18 tháng 1 năm 2022, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID - the United States Agency for International Development) phối hợp với Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.hội thảo với chuyên đề “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid – 19”.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam; lãnh đạo Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ chí Minh, Hiệp hội Logistics thành phố Hồ chí Minh cùng đại diện các Sở ban ngành, các Doanh nghiệp.
Bà Ann Marie Yastishock, đã có bài phát biểu khai mạc trực tuyến. Bà cho biết, Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ chí Minh. USAID thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại” (Dự án USAID TFP) luôn xem thành phố Hồ chí Minh là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Thông qua hội thảo, USAID hy vọng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan; từ đó có các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Sau khi phát biểu khai mạc trực tiếp tại hội trường, Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài tham luận. Theo ông, do tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%... Hiện xuất khẩu của thành phố Hồ chí Minh đang giảm dần theo thời gian. Năm 2010, Thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch 22,47 tỉ USD, tại thời điểm đó kim ngạch xuất khẩu của tỉnh của Bắc Ninh chỉ đạt 2,45 tỉ USD. Đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Bắc Ninh đuổi kịp thành phố Hồ chí Minh với 44,8 tỉ USD, thành phố Hồ chí Minh đạt 44,9 tỉ USD. Đại diện Sở Công thương nhấn mạnh: “Sau 10 năm, xuất khẩu của Bắc Ninh cơ bản đã đuổi kịp thành phố Hồ chí Minh, chứng tỏ ngành thương mại của địa phương này có sự tăng tốc rất cao. Các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai cũng có sự gia tăng tốt với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và thu hút đầu tư mở rộng khu công nghiệp. Trong khi đó, thành phố Hồ chí Minh trong 10 năm trở lại đây không hề có mở rộng khu công nghiệp vì quỹ đất đã hết. Bên cạnh đó, thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao cũng chưa xứng tầm…”.
Theo đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại thành phố hiện còn một số hạn chế. Trong đó, thủ tục hành chính của hải quan, kiểm tra chuyên ngành dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn bị doanh nghiệp đánh giá là chưa tiện lợi. Vì vậy, cải cách và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần được đẩy mạnh, nhất là trong định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của cả vùng phía Nam.
Thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế; Thành phố đã nỗ lực và chủ động thực hiện kịp thời các giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hiện hầu hết các quận, huyện trên địa bàn có cấp độ dịch đang ở mức cấp độ 1-“vùng xanh”, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Làm thế nào để phục hồi, tăng tốc xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tàu kinh tế của cả nước? Đây là câu hỏi lớn, mang tầm chiến lược. Trong phần tọa đàm, Lãnh đạo Sở Công thương và Cục Hải quan chia sẻ, trao đổi với đại diện Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Logistics Anchorthành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay và bàn các giải pháp tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19.
Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý Hải quan, Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh thông tin về tình hình xuất nhập khẩu trong đại dịch Covid – 19. Ông cho rằng, với tình hình xuất khẩu của thành phố trong bối cảnh Covid-19 cần tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới theo cam kết quốc tế. Trong đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước cải cách thể chế, chuyển đổi số trong thủ tục hành chính, nâng cấp và bắt buộc sử dụng cổng thông tin một cửa quốc gia...
Phát biểu tại hội thảo, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, nêu thực trạng: trước đây khi chưa xảy ra tình trạng khan hiếm container, chi phí thuê container, vận chuyển dưới 2.000 USD/container, trong thời điểm dịch Covid – 19 căng thẳng, đã có thời điểm doanh nghiệp phải trả 10.000 - 15.000 USD/container. Thời gian vận chuyển cũng kéo dài, như hàng đi Mỹ, trước đây đặt chỗ tàu 2 ngày sau đã có container và hàng chậm nhất 3 - 4 tuần đến nơi. Nay tìm container trống đã khó, thêm ảnh hưởng dịch Covid-19, một lô hàng xuất đi Mỹ đến 3 tháng sau mới tới nơi. Trong ngành lương thực, thực phẩm thì hạn sử dụng của sản phẩm là yếu tố cực kỳ quan trọng, thông thường hạn sử dụng với sản phẩm này là 1 năm. Như vậy là sản phẩm bị mất 3 tháng để vận chuyển, làm giảm hạn sử dụng xuống còn 7 tháng. Bên cạnh đó, đối diện với khó khăn khi giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm bị rút ngắn và giá sản phẩm bị đội lên cao. Doanh nghiệp rất khó để điều chỉnh giá bán tăng tương ứng do hầu hết đơn hàng đã ký trước và phải duy trì tính cạnh tranh.
Bà Chi kiến nghị Chính phủ sớm ban hành một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi và phát triển năm 2022 và những năm tới. Đề xuất cần có những gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh ở các ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ,... như hỗ trợ nguồn vốn vay ngắn hạn, giảm thêm lãi suất vay của các ngân hàng,... để sớm tạo sức bật cho nền kinh tế. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất,.., nhất là giảm thuế VAT và tăng hỗ trợ an sinh xã hội để góp phần làm tăng tổng cầu của thị trường. Cần Phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu .
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú thì trong thời gian tới, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các ban, ngành như Cục Hải quan, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội Logistics trên địa bàn Thành phố về xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các sản thương mại điện tử trong bối cảnh Covid-19".
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đồng quan điểm về việc cần có sự nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng trên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Đỗ Thị Nhàn