Thực hiện công tác quản lý nhà nước, tăng cường sự đoàn kết, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong nuôi trồng giống cây, con đạt hiệu quả cao từ đó làm tiền đề ứng dụng và phát triển vào mô hình mới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Ngày 20/9/2023, Đoàn công tác Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (TTTV&HTNN) Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận về việc trao đổi kinh nghiệm trong nuôi ốc hương thương phẩm.
Tại Ninh Thuận, nghề nuôi ốc Hương phát triển mạnh vài năm gần đây với diện tích nuôi chiếm 133,5 ha toàn tỉnh (năm 2022), tập trung ở khu vực Đầm Nại thuộc huyện Ninh Hải và khu vực An Hải-Ninh Phước, khu Từ Thiện, Vĩnh Trường, Sơn Hải-huyện Thuận Nam. Nuôi ốc Hương thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng năm đạt khoảng 2000 tấn.
Đoàn công tác TTTV&HTNN Thành phố đã đến tham quan và trao đổi, học tập kinh nghiệm tại cơ sở nuôi ốc hương của ông Nguyễn Văn Tâm trên địa bàn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc hương trong bể xi măng.
Ảnh 1: Thiết kế bể nuôi ốc hương bố mẹ (kích thước bể từ 15-25m2, chiều cao 1.2-1.6m).
Ông Tâm cho biết, mặc dù chi phí đầu tư nuôi ốc hương khá cao, nhưng bù lại kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ quản lý, chăm sóc, giá trị sản phẩm cao và dễ tiêu thụ. Ốc hương mỗi năm chỉ nuôi 01 vụ, thời gian từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch là 5 đến 8 tháng tùy theo kích cỡ 80-150 con/kg, giá bán ốc hương dao động từ 280.000-400.000 đồng/kg, kích cỡ 130 con/kg, 350.000-390.000 đồng/kg, kích cỡ 90 con/kg (tùy theo nhu cầu). Sau khi trừ chi phí người nuôi lãi khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Ảnh 2: Bể ấp trứng và ương ốc hương (diện tích bể 15-25m2, chiều cao từ 0.5-0.7m).
Hệ thống nuôi bao gồm: bể lọc, bể nuôi ốc bố mẹ, bể ương ấu trùng, bể ương ốc giống, bể xử lý nước. Bể nuôi ốc bố mẹ và bể ương ốc giống, bể ương ấu trùng có diện tích từ 15-25 m2; Bể nuôi ốc bố mẹ và bể ương ốc giống có chiều cao 1.2-1.5 m; bể ương ấu trùng có chiều cao 0.5-0.7 m. Bể xi măng có thành bể được tráng mịn để dễ vệ sinh, thiết kế lỗ thoát nước dễ xả cạn.
Ảnh 3,4: Quá trình ấp trứng và nở ấu trùng.
Bọc trứng được xếp trên đáy của khay nhựa với mật độ 1.200 – 1.500 bọc/4 – 5 dm2 diện tích khay. Các khay nhựa này được đặt trong bể ấp sục khí
Trong quá trình nuôi sẽ phát sinh mùi hôi đặc trưng của bể nuôi ốc hương nên việc vệ sinh đáy bể sau khi cho ốc ăn được chú trọng, các bể nuôi ốc hương phải thay nước hằng ngày nên nước luôn sạch, thức ăn cho ốc hương chủ yếu là các loại tôm, cá tạp tươi sống được dọn sạch sau khi cho ăn, không bỏ thừa trong bể hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước trong bể.
Ảnh 5: Đoàn tham quan bể ương nuôi ốc hương
Thông qua chuyến công tác, Đoàn công tác Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp Thành phố có cơ hội thực tế tiếp cận những kỹ thuật mới; trải nghiệm học tập thực tế để trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu kỹ năng sản xuất, qua đó có thể chọn lọc các kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, áp dụng thực tế tại địa phương. Đồng thời thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu, phối hợp, hướng đến thực hiện tốt hơn công tác chuyên môn./.
Đỗ Thảo
Đang Hoạt Động : 14
Hôm Nay : 28
Hôm Qua : 63
Số Lượt Truy Cập : 10081