Kỳ 1:
Lịch sử đàm phán TPP từ khi thành lập đến nay
Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khởi nguồn từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, hiệp định này được thành lập với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hình 1: Bản đồ mô tả vị trí các nước tham gia đàm phán TPP
Ngày 03 tháng 6 năm 2005, Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương được ký kết giữa 4 nước (Singapore, Chile, New Zealand, Brunei), và có hiệu lực từ ngày 28 tháng 5 năm 2006.
Năm 2008, Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm 7 thành viên (4 nước sáng lập TPP, và 03 nước thành viên mở rộng là Hoa Kỳ, Úc, Peru).
Năm 2010: Việt Nam chính thức tham gia đàm phán, nâng tổng số thành viên của TPP lên 8 thành viên.
Năm 2014: TPP gồm 12 quốc gia thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam); ngoài ra còn phải kể đến hai thành viên tiềm năng có xu hướng tham gia TPP đó là Hàn Quốc và Đài Loan. Từ khi thành lập cho đến nay, các nước thành viên TPP đã trải qua 19 vòng đàm phán và 04 hội nghị các Bộ trưởng. Nếu được kí kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do rộng lớn với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới; mang lại cơ hội mở cửa thị trường cho hầu hết các nước thành viên do mức thuế thấp hơn.
Năm 2015: Sau nhiều lần "lỡ hẹn" từ năm 2011 đến nay, Mỹ và các nước thành viên đang quyết tâm kết thúc đàm phán TPP trong năm nay.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đàm phán TPP kéo dài là do sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước thành viên, và mỗi nước đều đặt ra những yêu cầu riêng trong quá trình đàm phán. Bên cạnh những cơ hội mà việc tham gia đàm phán TPP mang lại, sự khác biệt giữa các nước thành viên sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam, cụ thể là sự cạnh tranh hàng hóa gay gắt khi các dòng thuế nhập khẩu được đưa về 0%. Nếu dựa trên trình độ phát triển của ngành nông nghiệp, 12 quốc gia thành viên TPP có thể được chia làm 3 nhóm chính: Mỹ, Úc, New Zealand thuộc nhóm nước phát triển nhất; tiếp đó là nhóm nước Nhật, Singapore, Malaysia; Việt Nam nằm trong nhóm phát triển thấp nhất.
Những nội dung chính trong đàm phán TPP
Hiện tại, đàm phán TPP đang là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, bởi nội dung đàm phán không chỉ bao gồm các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn có những vấn đề phi thương (môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…). Cho đến đầu năm 2015, đàm phán TPP vẫn chưa kết thúc, về phía Việt Nam, nội dung đàm phán TPP vẫn chưa được công bố; nhưng nhìn chung, TPP sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng, với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ, được thể hiện ở những nội dung chính sau đây.
Thuế quan:Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), được thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn.
Các biện pháp SPS, TBT:Siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ (SPS) và hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT). Các nội dung đàm phán chưa đề cập tới vấn đề hạn chế quyền ban hành các điều kiện SPS – TBT mới của các nước TPP, vì vậy các nước này vẫn được đơn phương điều chỉnh hoặc đưa ra các điều kiện SPS – TBT mới, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nông sản của các nước thành viên còn lại. Hiện tại, đàm phán về SPS – TBT chỉ xoay quanh vấn đề hợp tác để xử lý vướng mắc, một vấn đề chỉ liên quan tới rút ngắn thời gian xử lý khiếu nại, còn các điều kiện kiểm dịch thì vẫn giữ nguyên.
Đầu tư:Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư; những điều kiện thông thoáng và gia tăng ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài góp phần thu hút các nguồn đầu tư về nước.
Lao động:đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (nghiệp đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.
Dịch vụ:Tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính. Việc thúc đẩy quá trình mở cửa dịch vụ tài chính sẽ góp phần tạo ra nguồn vốn dồi dào cho các lĩnh vực đang khát vốn và còn nhiều tiềm năng như ngành nông nghiệp đô thị. Thực hiện tự do hóa mạnh theo phương thức chọn – bỏ; theo đó, tất cả các ngành dịch vụ đều được mở, trừ những ngành nằm trong danh mục loại trừ.
Quyền sở hữu trí tuệ:Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với mức trong WTO (WTO+). Phạm vi sở hữu trí tuệ xoay quanh ba nhóm vấn đề: quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, và quyền đối với giống cây trồng.
Mua sắm công:Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.
Các vấn đề phi thương mại khác:Tăng yêu cầu về môi trường.
(còn tiếp)
Tài liệu tham khảo
3. http://www.hiephoidoanhnghiep.vn
7. http://nongnghiepcongnghecao.vn
8. http://thegioi.baotintuc.vn
9. http://www.thesaigontimes.vn
ĐTP
Đang Hoạt Động : 31
Hôm Nay : 31
Hôm Qua : 60
Số Lượt Truy Cập : 612