Nói đến Củ Chi, nhiều người biết đến đây là vùng đất thép trong thời kỳ chiến tranh, với hệ thống địa đạo ngầm trong lòng đất dài 250km. Tuy nhiên, Củ Chi còn nổi tiếng với nghề đan đát lâu đời với các sản phẩm dân dụng như: bồ, nong, nia, thúng, rổ, rá... tại xã Thái Mỹ.
Nghề đan đát tại xã Thái Mỹ được hình thành từ rất sớm. Ban đầu người dân ở đây chỉ đan đát để phục vụ cho cuộc sống gia đình, trong sản xuất nông nghiệp, lâu dần người dân bắt đầu sản xuất làm nhiều hơn cho mục đích thương mại, hình thành nên nhiều cụm dân cư làm nghề với nhiều sản phẩm đa dạng.
Tồn tại hơn 100 năm, làng nghề đan đát xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi xưa kia được xem là cái nôi của các sản phẩm được làm từ tre, trúc. Các sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc,… mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn đang khiến những làng nghề truyền thống dần mai một.
Nổi bật trong các hộ sản xuất sản phẩm đan đát tại xã Thái Mỹ có thể kế đến Cơ sở mây tre lá Lê Vinh Hạnh (là cơ sở đan đát Thiên Long trước đây) do bà Nguyễn Thị Tuyết Mai làm chủ tại số 28 đường số 700, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM vẫn luôn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình lâu đời dù gặp khá nhiều khó khăn. Là một trong số các cơ sở giữ gìn nghề đan đát truyền thống đến nay với nhiều sản phẩm đan đát đa dạng bằng mây, tre, trúc… như: thúng, nia, dần, sàng, giỏ xách, giỏ đựng chậu hoa,... Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của của cơ sở còn được xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc,… với số lượng hàng vạn cái mỗi năm. Tuy nhiên, theo bà Tuyết Mai do giá trị kinh tế mang lại không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những các mặt hàng được làm từ nhựa và các vật liệu khác bởi tính tiện dụng. Đồng thời, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng cũng khiến nguyên liệu đầu vào như tre, trúc, mây không đáp ứng đủ, giá cả đầu ra sản phẩm thấp. Mặt khác theo thời cuộc, những thế hệ sau dần bỏ nghề của cha ông để tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.
Với niềm đam mê và mong muốn làng nghề đan đát phát triển ổn định, cơ sở đã kết nối với các đối tác trong nước thực hiện gia công các sản phẩm hệ chậu cây với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Ngoài ra để đảm bảo đơn hàng, cơ sở mây tre lá Lê Vinh Hạnh còn hợp tác với các hộ sản xuất trong làng nghề để gia công sản phẩm. Cùng với đó, cơ sở cũng đầu tư vào thiết kế, đa dạng sản phẩm, mặt hàng để chào bán, giới thiệu qua Zalo, Youtube để tìm kiếm đối tác. Qua tiếp cận bằng nhiều kênh, cơ sở đã tìm được đối tác tin cậy, có đơn hàng ổn định, trong đó riêng đơn đặt hàng hệ chậu cây, xuất bán được 300 - 400 cái/ tuần, giúp giải quyết việc làm và giữ nghề truyền thống.
Một số hình ảnh tại Cơ sở mây tre lá Lê Vinh Hạnh
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chủ cơ sở mây tre lá Lê Vinh Hạnh bên cạnh các sản phẩm hệ chậu cây
Một số công đoạn sản xuất các sản phẩm tại cơ sở
Một số sản phẩm của cơ sở
Nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 1784/KH-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2022 với nhiều giải pháp thiết thực. Được sự quan tâm của các Sở, ban ngành và lãnh đạo các cấp sẽ góp phần khơi dậy tiềm năng thế mạnh của mỗi làng nghề, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa trong đó có làng nghề đan đát Thái Mỹ cũng như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân.
Với nét giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo và lôi cuốn, có giá trị về thẩm mỹ và tính ứng dụng cao, hy vọng rằng những sản phẩm đan đát Thái Mỹ sẽ từng ngày khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước và quốc tế./.
Nguyễn Thị Kim Ngọc
Đang Hoạt Động : 16
Hôm Nay : 28
Hôm Qua : 63
Số Lượt Truy Cập : 10081