Theo Vinanet - Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Với các FTA này, Việt Nam được đánh giá đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, việc tận dụng, khai thác các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua là khá tốt. Cụ thể, tất cả các thị trường có FTA của ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi Hiệp định như Chi-lê (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân 35,6%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm).
Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á Âu. Năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,85 tỷ USD, tăng 14,4%, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,8 tỷ USD, tăng 11,7%, xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 23,1%.
Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA, cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 32,9%; Mexico tăng 23,4%.
Để có được kết quả này, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA. Trong đó, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu như chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) càng ngày càng được thực hiện theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; tổ chức thực hiện việc phân luồng doanh nghiệp trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua Internet, đẩy mạnh tự chứng nhận xuất xứ.
Nguồn: Baocongthuong.vn
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 51
Hôm Nay : 37
Hôm Qua : 190
Số Lượt Truy Cập : 6392