Từ lâu, huyện Cần Giờ là địa bàn trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm truyền thống, tấn bạt xung quanh bờ ao và đáy đất nhưng đa phần gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nghề nuôi tôm đã chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, mô hình nuôi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao đang là xu hướng mới đối với người đầu tư nuôi tôm.
Ao nuôi tôm
Điểm khác biệt lớn nhất giữa cách nuôi tôm công nghệ cao và nuôi truyền thống là mật độ thả tôm, thời gian mùa vụ và khâu xử lý nước, dẫn đến hiệu suất sản phẩm tôm cũng có khoảng cách lớn. Nên khi áp dụng quy trình nuôi này, phải quản lý được môi trường nước, kiểm soát được yếu tố dịch bệnh, nguồn nước phải qua nhiều khâu xử lý, từ đầu vào, xử lý thứ cấp, xử lý tinh rồi mới vào hồ nuôi. Các tiêu chuẩn của ao nuôi sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày như: độ kiềm, độ pH, độ cứng, calci, magnesium... cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm. Đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút chất dơ trong ao. Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh. Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất bán, con tôm sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.
Hợp tác xã Thuận Yến là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng phương pháp nuôi tôm công nghệ cao an toàn sinh học tại huyện Cần Giờ. Năm 2018, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dưng mô hình nuôi tôm công nghệ cao tuần hoàn nước an toàn sinh học, nước trong ao nuôi thải ra được dẫn ra bể lắng sau đó tái sử dụng lại không thải ra môi trường theo quy trình khép kín. Theo bà Nguyễn Thị Nhiệm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thuận Yến cho biết: “Con tôm nuôi theo công nghệ cao, là mình tính về mật độ, có nghĩa là mình nuôi truyền thống thì mật độ là 100 con trên một mét vuông, còn nếu mình nuôi công nghệ cao mình quản lý thật tốt thì mình có thể nâng mật độ thả tôm từ 300 đến 500 tùy theo tay nghề của kỹ thuật và của kỹ sư”. Ngoài ra Bà Nhiệm cũng cho biết thêm: “Nuôi tôm theo phương pháp công nghệ cao thì hệ số sử dụng đất tăng cao. Khi nuôi mình chia ra nhiều giai đoạn, ví dụ như là một ao chỉ sản xuất từ một tháng cho tới một tháng rưỡi thì mình chuyển qua ao khác. Cho nên hệ số sử dụng đất của mình trong quá trình nuôi theo quy trình công nghệ cao tăng lên, ví dụ nuôi theo kiểu truyền thống một năm được ba vụ thì ở đây mình có thể tính toán mình làm được từ 5 tới 6 vụ”.
Hồ nuôi tôm theo mô hình an toàn sinh học
Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng để áp dụng thuận lợi mô hình nuôi thuỷ sản công nghệ cao, vừa an toàn sinh học, vừa đạt năng suất hiệu quả cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu. Không chỉ là việc đầu tư vốn, quy trình kỹ thuật mà còn cần nguồn nhân lực được đào tạo lành nghề để vận hành và có đam mê với con tôm.
Công nghệ nuôi tôm mới an toàn sinh học đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ của nghề nuôi tôm tại huyện Cần Giờ, góp phần thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng mới, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị mà thành phố đang tích cực xây dựng và phát triển.
Để hiểu rõ hơn về mô hình nuôi tôm công nghệ cao mời quý độc giả đón xem Chương trình truyền hình với chủ đề “Nuôi tôm công nghệ cao an toàn sinh học”. Chương trình do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp với đài truyền hình HTV thực hiện.
Link: https://www.youtube.com/watch?v=najLAL0SOD8
Cẩm Loan
Đang Hoạt Động : 21
Hôm Nay : 95
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9265