Không phải ngẫu nhiêu mà cây hoa lan được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong sáu sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố. Hoa lan là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và được đẩy mạnh phát triển trong chương trình xây dựng nông nghiệp đô thị những năm trở lại đây. Hoa lan được rất nhiều người ưa thích bởi vẻ đẹp sang trọng, quý phái và trở thành nữ hoàng của các loài hoa. Hiện nay, ngoài việc trồng lan, chiết cành theo phương pháp truyền thống, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô vào việc tạo nên nguồn cây giống mới đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nghề trồng lan tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mô hình trồng lan tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đối với người trồng lan, để có được những nhành lan đẹp, những vụ mùa bội thu nếu chỉ dựa vào kỹ thuật chăm sóc và sự cần mẫn của người nông dân thôi chưa đủ, yếu tố giống đóng một vai trò vô cùng quan trọng để quyết định sự thành công trong quá trình canh tác của một vườn lan. Mặc dù ra đời cách đây không lâu, nhưng kỹ thuật nuôi cấy mô hoa lan đã giúp nhiều hộ gia đình trồng lan giải quyết được những khó khăn trong vấn đề tìm nguồn giống. Theo bà Hà Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kỹ thuật nuôi cấy mô hoa lan có những ưu điểm nổi trội: Từ một cây giống nhỏ ban đầu có thể nuôi cấy ra số lượng cây con giống rất lớn; thời gian nuôi cây ngắn; nhân giống bằng hạt cây con không đồng đều nhưng nuôi cấy mô thì tỷ lệ cây đồng đều rất cao; kiểm tra được cây giống sạch bệnh, sinh trưởng khỏe và khi nuôi cấy mô có thể loại bỏ được những cây biến dị, đột biến.
Lan được nuôi cấy trong phòng nuôi cấy mô
Hiện nay, nhu cầu thích cái đẹp của người dân ngày càng cao, những người chơi lan thích sưu tầm những loài lan đẹp, quý hiếm dẫn đến nguồn cung không đủ cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái. Do đó, với những ưu điểm mà lan nuôi cấy mô mang lại thì đây là một giải pháp hợp lý hiện nay. Bà Hà Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trên cơ sở giống lan nhập ngoại, các giống lan sưu tầm từ nguồn bản địa lan rừng. Trung tâm đã tiến hành lai tạo, tạo ra những giống lan mới. Tính đến nay, đã có hơn 50 tổ hợp lại được lai tạo và có 12 giống lan mới đã được bảo hộ giống”.
Các tổ hợp lan lai mới tại Trung tâm Công nghệ sinh học
Có thể thấy rằng sự tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đem lại nhiều tác động tích cực đến mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Việc áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô vào sản xuất đã giúp cho nhiều vườn lan gia tăng sản lượng, tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời đời sống của người nông dân cũng được cải thiện ít nhiều. Người nông dân thành phố đã có thể linh động hơn trong quá trình sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu và xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại.
Để hiểu rõ hơn về mô hình lan nuôi cấy mô ở Thành phố Hồ Chí Minh mời quý độc giả đón xem kỳ truyền hình với chủ đề “Canh tác nông nghiệp đô thị hiện đại”. Chương trình do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp với đài truyền hình HTV thực hiện.
Link: https://youtu.be/7miSAibkqXY
Cẩm Loan
Đang Hoạt Động : 20
Hôm Nay : 133
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6298