Mô hình trên được ứng dụng rộng rãi tại các xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ và xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tại các cơ sở nuôi trồng, hầu hết đều sử dụng máy cho ăn tự động, hệ thống sục khí oxy tự động và hệ thống làm sạch ao... Một số hộ nuôi tôm còn xây dựng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy và lưới che trên mặt ao hoặc sử dụng nhà kính nhằm hạn chế tác động của thời tiết, khí hậu. Nuôi theo cách này, người nuôi có thể dễ dàng chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi trong điều kiện nhiệt độ trong ao dễ thay đổi nhanh chóng, khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt. Hướng đi này cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi tôm ao đất vì hạn chế được dịch bệnh, ít rủi ro.
Ông Nguyễn Hoài Nam ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ đang áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo quy trình 2 giai đoạn trong nhà kính. Với diện tích 7.500 m2 mặt nước, ông Nam chia thành ba ao nuôi tôm thiết kế theo hình tròn, trong đó có 3.000 m2 ao nuôi chính, 3.000 m2 ao dự trữ và 1.500 m2 ao ươm. Tôm giống nhập về được ươm thêm từ 12 đến 30 ngày mới đưa ra ao nuôi.
Quy trình nuôi như sau: giai đoạn 1, vệ sinh hệ thống nuôi nhằm loại bỏ chất thải hữu cơ, nước bẩn; lọc nước, xử lý nước để loại bỏ clor, diệt khuẩn. Đồng thời, nuôi cấy vi sinh tạo floc cung cấp vi sinh, tăng sức đề kháng cho tôm; ươm tôm từ 25 - 30 ngày. Giai đoạn 2, người nuôi áp dụng quy trình tuần hoàn nước khép kín, tôm 30 - 60 ngày tuổi nuôi ở ao có diện tích 1.000 m2, mật độ thả nuôi 200 - 250 con/m2. Trước khi đưa tôm ra ao, phải kiểm tra sức khỏe tôm, cân tính số lượng, đo độ pH... giữa ao nuôi và ao ươm. Mỗi ao đều có lưới, che kín bạt, lót bạt đáy và bờ ao, dưới lớp bạt đáy có các ống nhựa được thiết kế theo hình xương cá để hút nước và khí ra ngoài. Với cách nuôi thâm canh này, sau 80 ngày nuôi, tôm đạt 40 con/kg, năng suất đạt 5,5 tấn/ao/vụ. Nuôi theo quy trình này đạt 3 vụ/năm, sản lượng 2 ao đạt tới 33 tấn/năm. Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ để kiểm soát từ khâu làm ao, kỹ thuật nuôi, cho ăn đến quản lý môi trường nước, sau 7 vụ nuôi, gia đình ông Nam thu lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn hơn hẳn nuôi ao, thời gian qua, Trung tâm khuyến nông TP.HCM tổ chức cho nông dân nuôi tôm tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm hai giai đoạn áp dụng công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận. Thông qua chuyến tham quan này, nhằm giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật nuôi tiên tiến, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân; đồng thời trang bị thêm kiến thức cho cán bộ khuyến nông nhằm phục vụ công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hiệu quả hơn.
(Theo nguồn Tiểu Yến – Báo Khoa học Phổ thông)
Cẩm Loan
Đang Hoạt Động : 22
Hôm Nay : 133
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6298