Ngày 18/5 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến và kết nối trực tuyến với 36 điểm cầu chính trong đó, có 5 điểm cầu trong nước và 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia.
Hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện kết nối, tiêu thụ vải thiều, nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP năm 2021 của tỉnh Hải Dương. Đây là dịp để các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nông sản quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp các đơn vị liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng thị trường; giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ hội trường Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (thành phố Hải Dương), hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 36 điểm cầu chính trong và ngoài nước, trong đó, có năm điểm cầu trong nước tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai và Lạng Sơn và 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia. Ngoài ra còn có nhiều điểm cầu phụ. Có gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đến tham dự hội nghị có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng - Nguyễn Hồng Diên, đồng chí Đỗ Thắng Hải - Bộ trưởng Công thương, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Thứ trưởng Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại biểu tỉnh Hải Dương và Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức lễ hội vải thiều năm 2021.
Trong phần phát biểu Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - Nguyễn Dương Thái cho biết: tỉnh Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp, có trên 60% diện tích đất nông nghiệp và trên 70% dân số sống ở nông thôn, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Hàng năm, tỉnh sản xuất được 750.000 tấn lúa gạo, 700.000 tấn rau , củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon nổi tiếng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc...
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Hải Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản hợp lý để vừa triển khai sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, công tác kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm nay được tổ chức trực tiếp tại Hội trường kết hợp với kết nối trực tuyến tới nhiều điểm cầu trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0; khởi động Chương trình đưa vải thiều và nông sản của Hải Dương lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Lazada, Tiki và Sendo... nhằm quảng bá kết nối giao thương, kết nối trực tuyến tới các đầu mối, các nhà nhập khẩu, góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu khai mạc và chào mừng hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao tỉnh Hải Dương trong đại dịch Covid-19. Bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, bằng tài hoa, trí tuệ, tâm huyết, nông dân Hải Dương đã tạo nên một bức tranh nông nghiệp đa dạng, phong phú. Bộ trưởng đánh giá vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù thời gian qua do tình hình phức tạp của dịch bệnh, gây đứt chuỗi cung cầu, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Song, Hải Dương đã biến khó khăn thành lợi thế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi trước nhiều biến cố.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh. Hải Dương cũng cần quan tâm tới khâu chế biến nhằm tránh rủi ro mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Với những lợi thế về phát triển cây ăn quả, Hải Dương nghiên cứu quy hoạch cùng du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị của ngành.
Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị
Tại các điểm cầu kết nối ở nước ngoài, các đối tác đều khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa, các bên đã chủ động hợp tác, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu nông sản thuận lợi, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa các bên cơ bản tiếp tục tăng cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân và các đơn vị của tỉnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc… Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, tại hội nghị đã chứng kiến Lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam khẳng định, nông sản Hải Dương có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Hiện nay, Công ty CP Ameii Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang 25 nước. Trong quá trình tìm kiếm vùng nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, doanh nghiệp nhận thấy Hải Dương là địa phương có nhiều nông sản thế mạnh và lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà với những đặc trưng nổi trội về chất lượng, mẫu mã, được canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so các quốc gia trồng vải khác. Công ty CP Ameii Việt Nam cam kết thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để đồng hành cùng nông dân Hải Dương đưa nhiều nông sản của tỉnh đến với khách hàng quốc tế.
Vải thiều Thanh Hà trưng bày tại Hội nghị
Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, các đại biểu đã bấm nút khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên các sàn thương mại điện tử. Ngay sau khi khởi động chương trình, đại diện 04 sàn thương mại điện tử, gồm: Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn, Lazada.vn ký kết thỏa thuận hợp tác với 04 đơn vị sản xuất, thu mua vải và nông sản của Hải Dương. Đồng thời triển khai hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace 247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với quả vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… từ ngày 18 -20/5/2021.
Đại diện các sàn thương mại điện tử ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, thu mua chế biến nông sản
Các đại biểu nhấn nút khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử
Năm 2020, cả nước đã sản xuất và tiêu thụ trên 200.000 tấn vải thiều. Tổng sản lượng xuất khẩu mùa vụ của cả nước đạt khoảng 98.000 tấn, trong đó tỉnh Hải Dương xuất khẩu khoảng gần 25.000 tấn (khoảng 50% sản lượng của tỉnh).
Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, trong đó vải sớm khoảng 30% diện tích, vải chính vụ 70% diện tích. Dự kiến sản lượng vải đạt 55.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình GlobalGAP là 450 ha, sản lượng dự kiến khoảng 2.500 tấn; diện tích sản xuất theo VietGAP đạt 6.300 ha; diện tích được cấp chứng nhận GAP đạt 1.000 ha (trong đó 50 ha GlobalGAP cấp mới năm 2021; 500 ha VietGAP cấp mới năm 2021 và 450 ha duy trì những năm trước).
Riêng huyện Thanh Hà, năm 2021 có 3.328 ha vải thiều, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn là chính vụ. Tổng sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Úc, EU, Nhật Bản, Singapore.
Nguồn: tổng hợp
TH
Đang Hoạt Động : 80
Hôm Nay : 95
Hôm Qua : 99
Số Lượt Truy Cập : 9364