Chiều ngày 25 tháng 11 năm 2022, Vụ chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công Thương cùng phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá tình hình tận dụng EVFTA, một số FTA khác và kiến nghị giải pháp” tại khách sạn Lavela – 280 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo có sự tham gia của Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương; Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, và đại diện của một số công ty đã thành công trong việc tận dụng và áp dụng các Hiệp định FTA khi tham gia xuất khẩu sang các thị trường FTA mới như:Công ty cổ phần Phúc Sinh - chuyên xuất khẩu cà phê và hạt tiêu; Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An – chuyên xuất khẩu lúa, gạo sạch; Công ty cổ phần Long Sơn – chuyên xuất khẩu hạt điều; Công ty TNHH Tư vấn và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTP (đơn vị tư vấn chiến lược)
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại Đa biên - Bộ Công thương
Chương trình nhằm mục đích cập nhật thông tin về tình hình tham gia, thực thi và tận dụng các FTA của Việt Nam; Đánh giá tình hình tận dụng và đề xuất các giải pháp tận dụng hiệu quả các FTA, các nội dung trên được chia sẻ bởi ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công thương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng đưa ra một số ý kiến, bài học kinh nghiệm thực tế về những lợi thế và khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm tại các thị trường mà Việt Nam có tham gia FTA.
Trong bối cảnh Hiệp định thương mại của Việt Nam với các quốc gia trong khối Đông Nam Á chuẩn bị hết hiệu lực, cũng như để Việt Nam có thể cân bằng cán cân thương mại và tạo giá trị thăng dư thương mại; ổn định kinh tế vĩ mô, thì việc tham gia Hiệp định FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP,…của Việt Nam là cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên để có thể tận dụng và phát huy được vai trò, lợi thế của các Hiệp định một cách tối ưu và hiệu quả như Việt Nam đã định hướng khi tham gia FTA, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó về phía Bộ Công Thương dự kiến sẽ triển khai thực hiện một số các chương trình để phổ biến, cập nhật thông tin, qui định về các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết như: xây dựng cổng thông tin về FTA để kết nối nguồn lực từ Trung ương đến địa phương cũng như phổ biến, cập nhật các thông tin về FTA, hỗ trợ, giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu; xây dựng Đề án đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố (FTA Index); tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề sâu hơn về từng Hiệp định, sản phẩm, thị trường cụ thể để phổ biến, cập nhật thông tin cũng như hướng dẫn doanh nghiệp và chuyển thể các nội dung hướng dẫn dưới dạng clip, video để giúp chuyển tải thông tin được nhanh chóng và dễ hiểu; phối hợp với từng địa phương tuyển chọn một vài sản phẩm chiến lược đạt tiêu chí xuất khẩu để xây dựng kế hoạch hỗ trợ giúp cho sản phẩm đó tận dụng được tối đa các ưu đãi của Hiệp định khi xuất khẩu sang thị trường mới.
Kết thúc nội dung trình bày, chia sẻ của đại diện Bộ Công Thương là phần giao lưu, trao đổi, giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp cần phải khắc phục, hoàn thiện để doanh nghiệp có thể từng bước đáp ứng được các tiêu chí, qui định khi tham gia thị trường xuất khẩu tại các quốc gia mà Việt Nam có ký kết Hiệp định FTA. Qua nội dung trao đổi, phần lớn các vấn đề mà doanh nghiệp cần thực hiện là sự chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin; chính sách; quy định của các Hiệp định để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như điều chỉnh, cải tiến tư duy kinh doanh để phù hợp với xu thế hội nhập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kết nối trong cộng đồng doanh nghiệp, trong các tổ chức, Hiệp hội ngành nghề để cùng chia sẻ thông tin từ các doanh nghiệp đi trước, những doanh nghiệp đã mở đường, lan tỏa kinh nghiệm thực tế từ các bài học thành công. Một yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp cần khắc phục để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể phát triển bền vững và tạo được uy tín trên thương trường quốc tế là sự canh trạnh lành mạnh, dựa trên tiêu chí chất lượng, thương hiệu sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp chứ không nên cạnh tranh bằng hình thức phá giá.
Giao lưu, trao đổi giữa đại diện cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu
Lê Thị Thùy Ngân
Đang Hoạt Động : 8
Hôm Nay : 3
Hôm Qua : 108
Số Lượt Truy Cập : 9380