Chương trình “Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức vào sáng 14/2 tại khách sạn Mường Thanh tỉnh Lạng Sơn, ngoài ra chương trình còn được kết nối dưới hình thức trực tuyến để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh/thành của cả nước có thể cùng tham gia Hội nghị.
Hình 1: Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung trong bối cảnh mới
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra thông điệp, định hướng cho ngành nông nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu, tạo nên sự thành công của nền kinh tế nông nghiệp thông qua hợp tác giao thương không chỉ dừng lại buôn bán nhỏ lẻ mà cần tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội để tạo ra sự liên kết, phối hợp đồng bộ từ công tác nuôi trồng, sản xuất, đến quảng bá và phân phối. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng, mang tính bền vững, lâu dài trong giao thương buôn bán mà Bộ trưởng muốn truyền tải đến các doanh nghiệp là đạo đức kinh doanh, sự hợp tác mang tính chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro. Ngoài ra, vai trò chỉ đạo và hỗ trợ của cơ quan các cấp tại các tỉnh, thành phố cũng cần phát huy tính liên kết, gắn kết vùng miền để đẩy mạnh giao thương hợp tác với các đối tác, thị trường nước ngoài, cụ thể là thị trường Trung Quốc.
Tiếp đến, còn có sự tham dự và chia sẻ thông tin của ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình giao thương của tỉnh Lạng Sơn với thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Trong gần 3 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; địa phương cố gắng minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Dù vậy, tình hình xuất khẩu nông sản hiện vẫn gặp một số vướng mắc như: số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Do đó, ông Thiệu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Hình 2: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn chủ trì Hội nghị
Về phía Trung Quốc, có sự tham dự trực tuyến của đại diện cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để chia sẻ và hướng dẫn qui trình xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc; giải quyết những vướng mắc và hoàn thiện cập nhật hồ sơ đến 30/6/2023 theo Nghị định 248-249; những vướng mắc về mở cửa thị trường và mở cửa cho đăng sản phẩm chế biến cấp đông đã có mã trên CIFER. Bên cạnh đó, còn có sự tham dự, chia sẻ thông tin, nhu cầu hợp tác, giao thương, xuất nhập khẩu rau quả, nông sản thực phẩm từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp như: Hiệp hội xúc tiến sản phẩm nông sản Bằng Tường Asean; Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Tây; Hiệp Hội hương liệu Quảng Tây; Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah; Trung tâm triển lãm sản phẩm cấp cao Trung Quốc,…
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Do đó, theo ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi - Bộ Công Thương cho rằng, không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này./.
Lê Thị Thùy Ngân
Đang Hoạt Động : 7
Hôm Nay : 4
Hôm Qua : 108
Số Lượt Truy Cập : 9381