Chiều ngày 30/9/2022, Sở Công thương Thành phố phối hợp Hội Logistics Thành phố, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức Diễn đàn Logistics TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) lần thứ 1, năm 2022 với chủ đề “Vị thế Logistics của TP.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”; dưới sự chủ trì của Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố; cùng đại diện Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về logistics, lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp,…
Diễn đàn nhằm đánh dấu một năm đầy thách thức và mang tính bước ngoặt lịch sử đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như TP.HCM kể từ tháng 9/2021; là sự kiện quan trọng của ngành Logistics trong giai đoạn triển khai thực hiện Đề án phát triển Logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một trong 49 Đề án của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
Phát biểu tại Diễn đàn Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố cho biết, Thành phố đã đặt mục tiêu phải phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.
Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố phát biểu khai mạc tại Diễn đàn – LOGISTICS, TP.HCM, lần thứ 1- năm 2022
Theo Bà Phan Thị Thắng, sau thời gian khẩn trương thực hiện, TP.HCM cũng đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi Kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 trụ cột chính phát triển ngành logistics. Tuy nhiên, đến nay thành phố cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển ngành logistics, đó là vấn đề về hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực.
Tại Diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận, trình bày những khó khăn mà Doanh nghiệp (DN) đã và đang đối diện từ điểm nghẽn cơ sở hạ tầng đến đào tạo nguồn nhân lực. Chia sẻ về điểm nghẽn hạ tầng giao thông của Thành phố, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết, TP.HCM có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên, khó khăn nhất của của DN logistics hiện nay là cơ sở hạ tầng của thành phố như: đường bộ, đường sắt, đường thủy chậm phát triển, chưa đồng bộ, có lúc quá tải. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chi phí logistics tăng cao.
Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố trình bày Báo cáo tham luận về thực trạng phát triển Hệ thống giao thông và hệ thống cảng Tp.HCM giai đoạn 2021 - 2030
Đối với điểm nghẽn phát triển nguồn nhân lực, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, khi nói đến lợi thế cạnh tranh của Thành phố so với các tỉnh, thành thì nguồn nhân lực được xem là lợi thế cạnh tranh lớn nhất; Thành phố cũng là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra. Do vậy, gia tăng đào tạo nguồn nhân lực cho DN ngành logistics nói chung là rất cấp thiết.
PGS. TS. Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, trình bày về nguồn nhân lực Logistics có những thách thức và giải pháp
Thông qua Diễn đàn, với vai trò là cơ sở đào tạo, Trường Đại học Hoa Sen cũng tham gia thảo luận, trao đổi để có thêm kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, đồng thời đóng góp những sáng kiến mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Logistics, thúc đẩy ngành Logistics của Thành phố phát triển lên một tầm cao mới. Là một đơn vị tiên phong trong giáo dục đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực Logistics cho xã hội, Trường Đại học Hoa Sen không ngừng đổi mới chương trình đào tạo Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiệm cận với những thay đổi của ngành. Nhà trường luôn bổ sung các học phần đào tạo phù hợp với thực tiễn của nhà tuyển dụng, mang tính “thực chiến”; việc giảng dạy lý thuyết luôn gắn kết với trải nghiệm thực tế. Sinh viên sẽ được tham gia các hoạt động thực địa, tham quan và học tập tại doanh nghiệp logistics qua nền tảng công nghệ logistics lớn nhất Việt Nam. Song song đó, sinh viên cũng được trang bị những chứng chỉ nghề nghiệp giá trị như FIATA (Thụy Sỹ) và có nhiều cơ hội việc làm hơn khi ra trường.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế đến từ những nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động dịch vụ logistics chưa đầy đủ, đồng bộ. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ logistics tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu tính kết nối và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ cả về lao động, tài chính, kinh nghiệm hoạt động, chưa vươn ra được thị trường logistics quốc tế. Việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế. Việc đào tạo chuyên sâu về logistics tại các cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức.
Trong bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn. Giải pháp đầu tiên để khơi thông nguồn lực logistics cần thúc đẩy mô hình đào tạo 03 nhà “nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp” nhằm đảm bảo đầu ra cho nguồn nhân lực và đào tạo những nhân lực doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại cho doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics nhằm góp phần mang lại lợi ích cho vùng, giảm chi phí cạnh tranh, giảm áp lực đào tạo và cơ hội việc làm. Ngoài hai điểm nghẽn lớn trên, đại diện một số DN trên địa bàn Thành phố cho rằng, ngành logistics của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn một vài vấn đề cần quan tâm để giải quyết, đặc biệt là hạ tầng mềm, cụ thể là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số chưa phát triển, thiếu đồng bộ, chưa được quy hoạch lâu dài nên thường dễ gây hiệu ứng domino tắt nghẽn, phát sinh nhiều công đoạn thừa, làm chậm và gia tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp…
Trong thời gian tới, để ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn như mục tiêu đã đề ra trong Đề án, Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành để hình thành đầu mối trong lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước – trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố có xu hướng dần dịch chuyển sang các tỉnh thành khác. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA để phát triển nguồn nhân lực cả về chất và lượng theo định hướng quốc tế là yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy các chiến lược phát triển ngành, cũng như thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước.
Đại diện Lãnh đạo Thành phố cùng một số diễn giả thảo luận tại Diễn đàn
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 6
Hôm Nay : 5
Hôm Qua : 108
Số Lượt Truy Cập : 9382