Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do đó, thành phố đã xác định cần chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị có trọng điểm, tạo sản phẩm có giá trị cao, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, một thành phố có nhịp sống công nghiệp ngày càng cao, áp lực công việc càng nặng, con người lại càng muốn trở về với thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên để tìm niềm vui và thưởng thức những vẻ đẹp do thiên nhiên mang lại ở quanh mình,... nên cá cảnh được xem là đối tượng giúp tạo ra giá trị, thu nhập cao.
Trong nhiều năm gần đây, nghề nuôi cá cảnh ở TP.HCM đã có cơ hội phát triển trở lại mạnh mẽ hơn và đa dạng hơn. Điển hình là Trại cá cảnh Châu Tống ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM (hay còn gọi là nghệ nhân Tống Hữu Châu), với gần 30 năm nuôi dưỡng và nhân giống các loại cá cảnh, tạo dựng danh tiếng cho Trại cá của mình. Bằng các phương pháp áp dụng quy trình an ninh sinh học cho cá chép koi xuất khẩu đi Mỹ, thực hành sản xuất tốt GMP cho các loại cá cảnh, đảm bảo các quy trình về thiết kế, vệ sinh tiêu độc, về quy trình sản xuất và đáp ứng mọi yêu cầu từ đầu vào đến đầu ra cũng như đảm bảo không dịch bệnh. Đến nay, Trại cá cảnh Châu Tống đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Với nhiều thế mạnh, sản phẩm cá cảnh của Trại cá Châu Tống luôn đạt sản lượng xuất khẩu hàng năm 2,2 - 2,5 triệu con. Tại thị trường nội địa, sản phẩm cá cảnh của Châu Tống tạo được uy tín nhờ sản phẩm đảm bảo an toàn và đa dạng (50 loài cá cảnh và 20 chủng loại cá dĩa được nuôi trong 500 hồ lớn nhỏ với diện tích 5.000 m2), cá dĩa là sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất. Nhờ vậy, Trại cá Châu Tống lai tạo thành công nhiều chủng loại cá cảnh và cá dĩa mới, phù hợp với thị hiếu lại mang đặc trưng riêng của Việt Nam.
Ngoài làm kinh tế, nghệ nhân Tống Hữu Châu còn tham gia công tác Hội thủy sản TP.HCM, Hội làm vườn và trang trại TP.HCM, Hội nông dân TP.HCM. Cùng với đó, thường xuyên chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức nghề nuôi cá cảnh cho nông dân trong thành phố để giúp họ làm giàu.
Với nhiều cống hiến trên, nghệ nhân Tống Hữu Châu vinh dự được nhận huân, huy chương, bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM và nhiều giải thưởng danh giá về thành tích sản xuất kinh doanh và sản phẩm chất lượng.
Hiện nay, với nhu cầu tiêu thụ cá cảnh và cá dĩa tăng mạnh, rất nhiều hộ kinh doanh cá thể đã tham gia vào thị trường sản xuất. Theo nghệ nhân Tống Hữu Châu, về mặt kỹ thuật, các hộ kinh doanh đảm bảo nuôi cá dĩa đạt năng suất, chất lượng, tuy nhiên, các hộ này lại khó tiếp cận thị trường tiêu thụ. Để đảm bảo đầu ra cho các hộ kinh doanh cá thể, nghệ nhân Tống Hữu Châu đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho trên 20 cơ sở vệ tinh trong và ngoài thành phố, tạo nguồn hàng xuất khẩu và bán nội địa. Nhìn xa hơn, hiện nhu cầu tiêu thụ cá cảnh và cá dĩa tại các thị trường quốc tế rất lớn, tuy nhiên, để nâng sản lượng xuất khẩu, theo nghệ nhân Hữu Châu, cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia để sản phẩm cá cảnh của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thương trường.
Nhìn chung, về thực trạng của ngành nuôi cá cảnh TP.HCM vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển đúng tiềm năng sẵn có, nguyên nhân do chất lượng giống chưa đạt giá trị cao. Vì vậy, trong năm 2019, Trung tâm khuyến nông thành phố (đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sẽ hỗ trợ đúng đối tượng tham gia mô hình trình diễn, việc nhập khẩu con giống theo nhu cầu thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu cá cảnh của TP. HCM, cũng như cá cảnh Việt Nam.
Gian hàng “Trại cá cảnh Châu Tống” tham gia triển lãm
“Trại cá cảnh Châu Tống” được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013
Tham khảo nguồn: Báo Khoa Học Phổ Thông
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 67
Hôm Nay : 71
Hôm Qua : 99
Số Lượt Truy Cập : 9340