Kỳ 1 - Thương mại hàng hóa và thương mại điện tử
Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với nhiều nội dung. Trong đó hai lĩnh vực có nhiều thời cơ và thách thức là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, bên cạnh những vấn đề cần quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại trong quá trình hội nhập.
1. Về thương mại hàng hóa
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ khoảng 85 % số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70 % kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm là 99% số dòng thuế, tương đương 99,7 % kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết từ trước đến nay. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta hiện nay.
Ngược lại, đối với hàng xuất khẩu của EU nhập vào, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48% số dòng thuế (chiếm 64% kim ngạch nhập khẩu). Sau 7 năm là 91% số dòng thuế tương đương 97% kim ngạch xuất khẩu từ EU vào Việt Nam.Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 2 % số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các nội dung khác liên quan tới thương mại hàng hóa cũng đã được hai bên thống nhất tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp như: xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại, v.v…
2. Thương mại điện tử
Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm:
- Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin;
- Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…);
- Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.
Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.
Kỳ 2: Thương mại dịch vụ và thương mại bền vững.
Nguyễn Văn Đức Tiến - Trương Thị Kim Ngân
Đang Hoạt Động : 23
Hôm Nay : 95
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9265