Dúi là loài động vật răng sắc, giỏi đào hang, thường chỉ phát triển tốt ở vùng rừng núi. Thế nhưng, qua bàn tay nông dân Phạm Thế Quang, con dúi lại nên duyên với đất Tây Ninh. Hiện trang trại anh Quang là địa chỉ cung cấp dúi giống và thịt có tiếng của tỉnh Tây Ninh.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại dúi của mình, anh Quang cho biết, trước đây anh từng làm công nhân cho một cơ sở nuôi dúi và phục vụ nhà hàng chuyên bán thịt dúi tại huyện Bình Chánh (TP. HCM). Nhận thấy dúi là động vật dễ nuôi, ít công chăm sóc, với tư duy làm kinh tế, anh đã lung mua được 2 cặp dúi giống để nuôi thử nghiệm.
Anh Quang cầm trên tay con dúi nặng hơn 2kg chỉ sau 08 tháng nuôi. Ảnh: Trần Trung
Trải qua nhiều lần thất bại do thiếu kinh nghiệm, nhờ kiên trì, nhẫn nại, đến nay, anh Quang đã sở hữu trại dúi khoảng 100 con các loại. Nói về kẽ thuật nuôi dúi, anh Quang chia sẽ: “Nuôi dúi quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống, phải chọn những con dúi giống khỏe mạnh, cân nặng từ 3 lạng trở lên, lông đầy đủ, mượt và phải nuôi từ lúc dúi nhỏ, không nên ham chọn dúi giống lớn sẽ rất khó nuôi”.
Dúi là động vật gặm nhấm, khá hung dữ, vì thế, mỗi con dúi phải xây một chuồng riêng. Anh Quang cho biết, xây chuồng cho dúi rất đơn giản, chỉ cần 3 tấm gạch men 50x50cm ốp xung quanh, bên trên chỉ cần đậy bằng ván gỗ, nền đổ xi măng dày 5 cm.
Dúi có khả năng đào bới tốt, vì thế nền cần được thi công đảm bảo. Riêng với vách chuồng cần phải nhẵn, nếu không ốp được gạch men thì có thể tráng xi măng. Một lưu ý đặc biệt về nơi ở của dúi, đó là đảm bảo độ tối và tránh ẩm thấp. Dúi chịu lạnh giỏi, song rất kị nước mưa, vì thế, chuồng nuôi phải vừa mát, vừa tránh dột. “Với cách làm này, chỉ cần bỏ ra chưa tới 10 triệu đồng sẽ có một trang trại dúi quy mô nuôi tới 100 con”, anh Quang cho nói.
Những thanh tre là thức ăn khoái khẩu của dúi được anh Quang chuẩn bị chu đáo. Ảnh: Trần Trung.
Nhẹ nhàng cho thức ăn vào chuồng, anh Quang nhắc nhở: “Dúi rất hung dữ vì thế lúc cho ăn phải hết sức thận trọng. Ngoài thức ăn khoái khẩu như tre, mía thì có thể bổ sung thêm bắp để tăng dinh dưỡng”. Về chế độ ăn, mỗi ngày cho ăn một cữ vào chiều tối. Nếu bận rộn, có thể hai ngày cho dúi ăn một cữ, mỗi tuần vệ sinh chuồng một lần. Đặc biệt, phải đảm bảo dúi ăn hết thức ăn, tránh dư thừa gây nấm mốc, mầm bệnh.
Việc phối giống rất quan trọng, đây là yếu tố quyết định đến thành công của mô hình. Anh Quang chia sẻ kinh nghiệm: Khi phối giống cho dúi đòi hỏi phải có sự quan sát, sau khi cho dúi đực thả vào chuồng dúi cái (hoặc ngược lại), nếu đôi dúi quấn quýt nhau thì giữ nguyên, ngược lại, nếu chúng gằm ghè nhau thì phải tách ra, thay thế bằng con khác. Để đôi dúi ở với nhau trong vòng một tuần thì có thể tách ra, dúi cái mang thai thì ngực sẽ căng, điều này rất dễ phân biệt… Dúi sinh sản rất nhanh, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 3 – 5 con. Chỉ cần 1 con dúi đực và 4 dúi cái, sau 1 năm sẽ có đàn dúi trên 40 con; đối với dúi thịt, sau gần 1 năm dúi có trọng lượng 2 kg trở lên cho hiệu quả kinh tế rất cao”.
Thị trường rộng mở
Theo anh Quang, dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt, nên thị trường rất ổn định. Thịt dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên món ăn chế biến từ dúi rất được thực khách ưa chuộng. Vì vậy, có rất nhiều chủ nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ tìm đến cơ sở để đặt mua dúi số lượng lớn, có thời điểm cơ sở của anh luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Khách hàng tìm đến trang trại anh Quang để mua dúi. Ảnh: Trần Trung.
Giá dúi hiện nay tương đối cao, theo đó dúi thịt từ 500 ngàn đồng/kg; dúi giống từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/cặp, với trại dúi của mình, mỗi năm anh thu lãi cả trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, phân dúi không thối và rất tốt cho các loại cây trồng, nhất là hoa lan. Nhiều cơ sở trồng hoa lan trên địa bàn đã tìm đến trại của anh đặt mua. Với giá bán 1 túi phân 10 ngàn đồng/100g, tính riêng phần bán phân, mỗi năm anh Quang bỏ túi thêm không dưới 10 triệu đồng!
Từ sự thành công của mình, đã có không ít nông dân từ các địa phương khác tìm đến anh học hỏi. Không chỉ chia sẻ, truyền kinh nghiệm, anh Quang còn liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho 11 hộ gia đình tại các huyện, thị trong tỉnh để cùng nhau phát triển, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương.
Nhiều đoàn khách đến trang trại anh Quang để tham quan, học hỏi mô hình. Ảnh: Trần Trung.
Anh Quang cho biết, sắp tới anh sẽ xây dựng các trại nuôi đúng chuẩn tạo môi trường chăn thả dúi như ngoài tự nhiên giúp dúi phát triển nhanh và mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, anh sẽ xúc tiến thành lập HTX nuôi dúi, xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi liên kết sản xuất, khắc phục tình trạng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.
(Theo Trần Trung – Nguyễn Thủy, báo Nông nghiệp Việt Nam)
Cẩm Loan
Đang Hoạt Động : 70
Hôm Nay : 107
Hôm Qua : 99
Số Lượt Truy Cập : 9376