Theo kết quả khảo sát từ tháng 6 năm 2019 của Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, hiện trạng tình hình nuôi lươn không bùn tại Thành phố Hồ Chí Minh có từ những năm 2000, hiện tại trên địa bàn thành phố có tổng số 27 hộ nuôi lươn. Tập trung tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Quận 12. Trong các hộ điều tra, đa phần là nuôi từ 3-5 năm; hộ nuôi lâu năm và có kinh nghiệm nhất là 7 năm.
Điển hình là hộ nuôi lươn của chú Phạm Đức Nhoai tại ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi; vốn từng làm Giám đốc Công ty Bò sữa TP.HCM, cũng là chủ 1 trang trại nuôi heo lớn nhưng trước tình hình dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định; hơn nữa là người có máu chăn nuôi chú đã mạnh dạn chuyển sang mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng (hay còn gọi là nuôi lươn theo công nghệ sạch của Hàn Quốc) vào tháng 8 năm 2018.
Theo chia sẻ từ chú Nhoai: tận dụng trại heo đã nuôi trước đó, với diện tích 1.800 m2, chú bắt đầu xây dựng lại và chia thành 200 bể, số giống thả là 70 kg/bể lươn giống, tương đương 30 - 35 con/kg. Sau 7 tháng nuôi, có tỷ lệ lươn sống bình quân đạt 85%, năng suất thu hoạch từ 350 - 450 kg/bể, tương đương 3 - 4 con/kg. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí mua lươn giống, thức ăn, chế phẩm,... đạt khoảng 35 – 40% doanh thu. Trại lươn của chú cung cấp cho các đại lý trên địa bàn thành phố, chủ yếu là chợ đầu mối Bình Điền, ngoài ra ở các tỉnh phía Bắc.
Hiện nay, các hộ nuôi lươn tại thành phố chủ yếu mua con giống đánh bắt tự nhiên (loại giống được thuần dưỡng trước khi đưa vào nuôi để giúp lươn giống thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, giảm hao hụt) có nguồn gốc từ Campuchia (95%), phần còn lại thu mua từ các tỉnh Miền Tây như Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang (5%). Riêng trại lươn của chú, tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã nhập 20 tấn con giống, tương đương 4 tỷ. Nói đến lươn giống thì lươn nhân tạo không mang lại hiệu quả cao bằng lươn tự nhiên do tỷ lệ hao hụt của lươn nhân tạo là rất cao. Vì vậy, việc lựa chọn lươn giống cũng là yếu tố quan trọng.
Song, chú chia sẻ tiếp về kỹ thuật nuôi lươn để lươn đạt tỷ lệ sống cao, ít hao hụt: đầu tiên về thức ăn phần lớn là cá biển, trùn quế chiếm 90% và cám thủy sản chiếm 10%; mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Điều quan trọng nữa là nguồn nước phải sạch (nước không bị nhiễm phèn), lươn được cho ăn đúng giờ, thay nước đúng giờ (khoảng 2 tiếng sau giờ ăn), lượng nước trong bể phải đạt 6,5 PH trở lại, và đặc biệt tránh gây tiếng động ồn ào tại khu vực nuôi lươn,… từ đó, việc nuôi lươn sẽ tránh được bệnh, trừ khi nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Sau gần 1 năm, từ khi chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, chú nhận thấy rằng: “Hiện nay, tại Việt Nam nói chung cũng như tại thành phố nói riêng, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những động vật đang nuôi như là heo, bò, gà,… tuy nhiên, sản lượng lươn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc rất cần con lươn nuôi tại Việt Nam.
Chính vì vậy, chú mong muốn trong thời gian sắp tới, sẽ chọn lọc các các hộ nuôi lươn có đủ điều kiện thành lập Hợp tác xã nuôi lươn theo công nghệ sạch, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như là trở thành nghề mũi nhọn trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố từ nay đến những năm tới.
Lươn được nuôi trong bể xi măng không bùn theo công nghệ sạch
Trại nuôi lươn được chia thành nhiều bể
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 23
Hôm Nay : 68
Hôm Qua : 99
Số Lượt Truy Cập : 9337