Tóm tắt kỳ trước:
Ý nghĩa việc tham gia hiệp định EVFTA và quá trình tham gia đàm phán
Năm 2010: Chính thức khởi động đàm phán xem xét Việt Nam gia nhập hiệp định thương mại tự do Châu Âu EVFTA
Năm 2017: EVFTA giữa Việt Nam và EU sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA)
Ngày 08 tháng 6 năm 2020: Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA…
EVFTA là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (sau đây gọi tắt là hiệp định EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay bên cạnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa liên quan đến thủ tục hải quan thuận lợi hóa thương mại, thuế suất, quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); thương mại dịch vụ gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường, đầu tư; phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước; mua sắm của Chính phủ; sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực; các vấn đề pháp lý-thể chế. Trong đó hai lĩnh vực có nhiều thời cơ và thách thức là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ bên cạnh những vấn đề cần quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
1. Thời cơ
- EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, sức cạnh tranh về giá còn rất hạn chế. Vì vậy, khi tham gia hiệp định, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa khi khi thuế suất nhập khẩu sang vào khu vực thị trường quan trọng này giảm đến 99%.
Các ngành được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng xuất khẩu như dệt may, giày dép và hàng nông sản.
- Các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với máy móc, thiết bị, công nghệ cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình.
Hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh, cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
- Về đầu tư: Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
- Về môi trường kinh doanh: Với việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
2. Thách thức:
Cơ hội là rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức bởi:
- Các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó thực hiện: Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nguyên liệu trong nước hoặc trong khối (các nước tham gia hiệp định) nhất định.
Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.
- Các rào cản TBT (kỹ thuật), SPS (an toàn động thực vật và thực phẩm) và yêu cầu của khách hàng không dễ đáp ứng: EU là một thị trường khó tính. Khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe.
Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng cần phải hoàn thiện và nâng cao rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Trong sân chơi thương mại, thuế quan không là yếu tố bảo hộ hàng hóa thì thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.
Chính EU là một trong những thị trường thường xuyên sử dụng các công cụ này để phòng vệ trong thương mại.
- Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU: Mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay “sân nhà”.
Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Nông sản là mặt hàng có lợi thế khi gia nhập EVFTA
Nguyễn Văn Đức Tiến - Trương Thị Kim Ngân
Ghi chú:
TBT (Technical Barriers to Trade): là hiệp định liên quan đến việc dự thảo, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tại các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với mong muốn chúng không được tạo ra trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế.
SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures): Biện pháp xác định các thành viên có thể hoặc không thể áp đặt các hạn chế như thế nào đối với những hàng hóa nhập khẩu nhất định nhằm mục đích bảo vệ:
- Sức khỏe con người hoặc động vật từ những nguy cơ qua đường thực phẩm.
- Sức khỏe con người khỏi các bệnh lây qua động vật, thực vật.
- Động, thực vật khỏi sâu bệnh hoặc bệnh tật.
Đang Hoạt Động : 25
Hôm Nay : 97
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9267