Để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, vai trò của hợp tác xã (HTX) rất quan trọng, bởi từng hộ nhỏ lẻ sẽ khó mà xây dựng được sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, có tính cạnh tranh cao. Điển hình như về tín dụng cho nông nghiệp, nếu từng hộ vay vốn sẽ không đủ điều kiện, không đủ vốn đầu tư sản xuất dài hạn, mà chỉ đủ vượt qua khó khăn từng mùa vụ. Trong khi đó, nếu vào HTX sẽ có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đủ lớn để tổ chức sản xuất một cách căn cơ như: đầu tư hạ tầng, xây dựng lò sấy, kho bãi, cơ sở chế biến, đóng gói bao bì... Việc sản xuất theo đơn vị hộ sẽ làm tăng chi phí, ngược lại HTX theo nguyên tắc "mua chung" vật tư đầu vào, "dùng chung" dịch vụ, máy móc sẽ giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho nông dân. Cần thấy rằng, nếu từng hộ riêng lẻ sẽ không có khả năng tiếp cận thị trường. Với quy mô HTX sẽ có đủ điều kiện tiếp cận doanh nghiệp, tăng năng lực đàm phán. Sản xuất hộ sẽ không đủ lượng hàng hóa để đàm phán với doanh nghiệp, còn HTX sẽ có lượng hàng đủ lớn để tăng sức mạnh trên thị trường; đồng thời đủ điều kiện xây dựng thương hiệu.
Một khi xác định đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của HTX, chúng ta mới có cách ứng xử phù hợp. Nếu chỉ xem HTX như một loại hình doanh nghiệp hoạt động đơn thuần theo quy luật thị trường thì sự hỗ trợ sẽ chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định.
Ngược lại, khi xem HTX hoạt động không chỉ theo đuổi mục đích lợi nhuận, mà chính là đem lại lợi ích cho nhiều nông dân, xã viên, thì chúng ta phải thật sự mạnh mẽ trong xây dựng HTX đủ mạnh. Phải xây dựng HTX hoạt động đa dịch vụ như: cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, tồn trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ... Để làm được như vậy rất cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để họ đầu tư "đường dài", ngoài những chính sách hỗ trợ theo mùa vụ như thời gian qua.
Thực tế cho thấy, từ khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã xuất hiện nhu cầu phải hợp tác lại để làm cầu nối và đối trọng với doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần HTX hoạt động mạnh để giúp họ đàm phán gián tiếp với các hộ nông dân. Như vậy, đã xuất hiện nhu cầu tự thân từ cả hai phía. Đây là động lực cho tiến trình tái cơ cấu, là điều kiện tốt nhất để ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện mô hình GAP. Chính các doanh nghiệp và HTX đã nhận ra tính cấp thiết của việc xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng và xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Lâu nay, nông dân thường hay nói "được mùa mất giá". Theo quy luật cung cầu, nếu hàng hóa dư thừa, cung tăng mà cầu không tăng thì giá sẽ xuống. Vấn đề là chúng ta khó quyết định giá "đầu ra" trong vòng quay của thị trường; nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động được chi phí "đầu vào" bằng việc thực hiện đúng quy trình canh tác, sử dụng liều lượng vật tư nông nghiệp hợp lý, lấy lợi thế khi "mua chung", "dùng chung" trong mô hình HTX. Muốn làm được điều đó, ngoài phải thay đổi cách nghĩ trong nông dân, cần có sự hỗ trợ ban đầu cần thiết cho các HTX và doanh nghiệp phát triển các loại hình chế biến nông sản, áp dụng các giải pháp công nghệ, làm tăng giá trị nông sản. Chỉ khi những tác động cần thiết đó, yếu tố giá mới đi đúng quy luật "tiền nào của nấy", thoát ly khỏi vận may rủi mùa vụ.
Song cái khó lớn nhất của phát triển kinh tế hợp tác hiện nay là tư duy tiểu nông, văn hóa làng xã còn ăn sâu trong xã hội nông thôn. Điểm yếu của nhiều HTX là khả năng quản trị, kiến thức kinh tế thị trường, khả năng áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển. Đó là thực trạng mà hiện nhiều địa phương đang đối mặt và phải có những giải pháp đồng bộ, cụ thể để giúp HTX từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, có việc đưa cán bộ trình độ cao, có kinh nghiệm về công tác tại các HTX; đồng thời, tổ chức lại bộ máy ngành nông nghiệp địa phương từ quản lý nhà nước đến công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng tiếp cận thị trường; tập trung huấn luyện cho người nông dân về cách thức làm ăn, nâng cao chất lượng nông sản và giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh.
Tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là chuyện riêng của ngành nông nghiệp mà cả hệ thống chính trị tham gia. Đặc biệt, chú trọng vai trò của HTX, doanh nghiệp và nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp còn gắn với xây dựng nông thôn mới. Quan điểm tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, dựa trên 3 định hướng "hợp tác - liên kết - thị trường" và 3 yêu cầu là "giảm chi phí sản xuất - nâng cao chất lượng nông sản - đa dạng hóa chế biến". Các định hướng và yêu cầu trên sẽ là xuyên suốt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu.
Phương Dung
Nguồn: LÊ MINH HOAN(Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) - Báo Sài gòn giải phóng
Đang Hoạt Động : 24
Hôm Nay : 97
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9267