Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cho rằng nâng cao hàm lượng chất xám vào sản xuất qua việc phát triển giống cây con cho việc tái cơ cấu sản xuất có vai trò quan trọng trong mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Sưu tập và ứng dụng
Lan cắt cành là một trong những giống cây trồng chủ lực khi chuyển dịch nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị của TPHCM, việc lệ thuộc vào nguồn giống nước ngoài, nhất là Thái Lan, là điều mà các nhà khoa học và quản lý luôn trăn trở. Không thể có việc xuất khẩu hoa lan từ Việt Nam nếu không sưu tập, nghiên cứu, lai tạo ra giống lan của Việt Nam. Thời gian qua, các đơn vị như Trung tâm Công nghệ Sinh học, Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi đã thực hiện việc bảo tồn và lưu giữ nguồn gien các giống hoa lan. Bộ sưu tập giống hoa lan có trên 334 giống, bao gồm các nhóm lan rừng, Dendrobium, Phalaenopsis, Mokara, Cattleya, Vanda, Oncidiumm. Ngoài ra còn có 100 giống kiểng lá, 20 họ cây hoa kiểng, 37 giống hoa nền, 27 giống rau; phục tráng 3 giống rau địa phương (1 giống cà chua, 2 giống dưa leo).
Năm 2014, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng vật nuôi thử nghiệm tính thích nghi tại các xã 47 giống rau, 3 giống lúa và 16 giống hoa. Từ đó chọn được 17 giống năng suất cao (bằng hoặc cao hơn 17% so với giống đối chứng), sinh trưởng, phát triển mạnh, trái đẹp và chất lượng phù hợp với thị trường. Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng rau: năm 2006, năng suất bình quân 19,07 tấn/ha/vụ; năm 2014 tăng lên 23,8 tấn/ha/vụ. Giá trị sản xuất bình quân 1ha đất canh tác của năm 2014 là 325 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2010.
TPHCM có khoảng 35 phòng cấy mô cung cấp 14 triệu giống cây mô hoa kiểng, nhiều nhất là giống lan các loại như Mokara, Dendrobium… đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích hoa kiểng của TP và các tỉnh. TPHCM có 47 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh giống cây, trong đó có 42 DN sản xuất và kinh doanh hạt giống, đa số là DN tư nhân. Năm 2014, các DN sản xuất 15.400 tấn hạt giống, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2013, phục vụ khoảng 1 triệu ha diện tích gieo trồng. Trong đó, giống lúa 56,1%, giống bắp 33,6%, giống rau 5%. Lượng hạt giống xuất khẩu năm rồi là 451,4 tấn giống các loại. Có 47 giống rau mới được đưa vào sản xuất kinh doanh, trong đó 7 giống (gồm 1 giống dưa hấu và 6 giống rau) do các công ty tự nghiên cứu lai tạo.
Cạnh tranh gay gắt
Sở NN-PTNT TPHCM nhận định, với việc cung cấp giống cây, con đa dạng chủng loại cho TP và nhiều địa phương khác, TP tiếp tục duy trì vai trò là trung tâm sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng giống mới như rau, hoa lan, cá cảnh, nấm ăn, nấm dược liệu, dưa lưới… từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và trở thành sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Việc nghiên cứu, chuyển giao giống mới vào sản xuất là động lực thúc đẩy DN đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhiều DN mạnh dạn đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại, chọn tạo giống, đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới, kho bảo quản, chế biến hạt giống; hình thành nhiều cơ sở nghiên cứu, nhân giống theo hướng đa dạng chủng loại, chuyên sản xuất giống cây con cung ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP, các tỉnh và xuất khẩu. TPHCM là địa phương có số đơn vị sản xuất kinh doanh giống khá lớn so với các địa phương khác, 100% đơn vị sản xuất kinh doanh giống đều là công ty, cổ phần hoặc tư nhân, không có bao cấp của nhà nước.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, sự phát triển ngành giống của TP chưa toàn diện, chưa theo kịp một số nước khu vực. Trình độ quản lý, làm chủ khoa học công nghệ, cơ sở và thiết bị về tổng thể vẫn còn hạn chế khi giống trong nước vẫn chịu sự canh trạnh ngày càng gay gắt giống ngoại nhập.
|
Phương Dung
Đang Hoạt Động : 90
Hôm Nay : 1
Hôm Qua : 190
Số Lượt Truy Cập : 6356