Hoa Kỳ giờ đây, tuy muộn màng, nhưng cũng đã có các động thái quyết liệt về du lịch và công bố một số phương thức hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Nhưng những điều này là quá muộn màng để có thể ngăn chặn coronavirus lây lan, và chưa đủ để ngăn suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn.
Kiểm soát thị trường bằng thanh khoản, như đã được thực hiện trong năm 2008, sẽ không giải quyết vấn đề hiện tại. Các thị trường giờ đã tràn ngập tiền mặt, và như đã được chứng minh một lần nữa vào đầu tháng 3, việc cắt giảm lãi suất không còn kích thích tăng trưởng được nữa. Điều cần thiết bây giờ là các nhà lãnh đạo phải tập trung vào các thách thức trong nước và tìm cách hợp tác quốc tế - thay vì xung đột với các quốc gia khác.
Suy thoái coronavirus có thể tệ đến mức nào? Phá vỡ chuỗi cung ứng, đóng cửa nhà máy và kiểm dịch công nhân đã làm gián đoạn nguồn cung. Những hạn chế về du lịch, và những lo ngại về sự lây nhiễm đã ảnh hưởng đến nguồn cầu. Tăng trưởng đang bị kéo xuống ở một loạt các nền kinh tế từ Đức đến Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Việc làm tê liệt các doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt, tạo ra hàng nghìn khoản nợ xấu của doanh nghiệp và làm suy yếu bảng cân đối của các ngân hàng.
Mặc dù cuộc khủng hoảng này có nguồn gốc khác với lần trước, nhưng nó đang đi theo một chu kỳ tương tự: làm sụp đổ niềm tin của người tiêu dùng và thị trường chứng khoán, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu, tăng trưởng, việc làm và thu nhập. Các ngân hàng trung ương bất lực và chính sách tài khóa bị vô hiệu bởi các nút thắt nguồn cung. Vì vậy, cần có các phương pháp kích thích mới.
Có nhiều việc cần phải làm ngay lập tức. Các ngân hàng, được hỗ trợ bởi các chính phủ, nên cung cấp các khoản vay chiết khấu và hoãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản vì thiếu nguồn cung hoặc thiếu khách hàng, cũng có thể là do các chủ nợ thanh toán chậm.
Nền kinh tế GIG, và những người làm việc theo giờ, ước tính lên tới 57 triệu lao động ở Hoa Kỳ, cần có sự hỗ trợ đặc biệt và chính phủ nên giúp chủ lao động đảm bảo thu nhập cơ bản. Đồng thời cũng đảm bảo rằng những người lao động hiện không được hưởng lương sẽ được bảo vệ trong khoảng thời gian họ không thể làm việc.
Những can thiệp này và các mục tiêu khác, bao gồm cắt giảm thuế cho những người có thu nhập thấp nhất, sẽ khôi phục niềm tin. Cơ quan giải trình trách nhiệm chính phủ Hoa Kỳ ước tính rằng: cuộc khủng hoảng năm 2008 đã tiêu tốn của nền kinh tế Mỹ hơn 22 nghìn tỷ USD, bao gồm cả khoản cứu trợ trị giá 750 tỷ USD cho các ngân hàng.
Lần này, các chính phủ nên sử dụng các biện pháp can thiệp có mục tiêu khác để ngăn chặn nỗi lo về sự sụp đổ kinh tế hoàn toàn. Ở Anh, cam kết ngân sách nhằm giảm thiểu tác động của coronavirus trong tuần này là một minh chứng mạnh mẽ về những gì các chính phủ có thể làm được. Mặc dù 38 tỷ USD được phân bổ hiện tại là quá nhỏ so với khoản cứu trợ 650 tỷ USD từng được trao cho các ngân hàng Anh sau năm 2008.
Tuy nhiên, chỉ riêng các chính sách quốc gia, sẽ không đủ để ngăn chặn thảm họa kinh tế toàn cầu. Vì thế, các nền kinh tế trên thế giới phải hợp tác với nhau. Khi các thị trường sụp đổ vào tháng 9/2008, Cựu Tổng thống George W. Bush đã gọi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Đức, Pháp và Anh, đảm bảo sự đồng lòng và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa cơn khủng hoảng.
Các hành động được 20 nguyên thủ quốc gia đồng thuận, bao gồm cả việc tăng chi tiêu chưa từng có của Trung Quốc, đã giúp ngăn chặn việc Đại khủng hoảng diễn biến xấu hơn. Các phản ứng tập thể sẽ giúp thị trường bình tĩnh lại. Đấu đá sẽ chỉ khiến mọi thứ phức tạp hơn.
New York Times nhận định: "Kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, các chính phủ trên thế giới đã trở nên "dân tộc" hơn, đã áp dụng các cách tiếp cận không bao quát đối với chính trị và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngày nay cho thấy chủ nghĩa cô lập, thay vì giảm bớt, lại làm gia tăng các mối đe dọa từ nước ngoài".
Thời kỳ khủng hoảng 2008, Anh đã lãnh đạo hành động của châu Âu, nhưng Brexit đã chấm dứt khả năng lãnh đạo đó. Trung Quốc - từ một đồng minh của Hoa Kỳ trong việc đối phó với các mối đe dọa phổ biến như tài chính và biến đổi khí hậu - giờ đây đã ở bên kia chiến tuyến với Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại và việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris là những biểu hiện rõ ràng nhất về những căng thẳng sâu rộng hơn. Căng thẳng này đang làm xói mòn không chỉ tăng trưởng toàn cầu, mà còn là tiềm năng hợp tác.
Ưu tiên hiện nay là quản lý đại dịch. Các chính phủ cần hợp tác để thúc đẩy phát triển vaccine, sản xuất các thiết bị y tế cần thiết và các vật tư khác. Song song với đó là phối hợp trong việc hạn chế di chuyển và hỗ trợ người nước ngoài.
Thế giới cũng cần phản ứng kinh tế một cách đồng lòng. Nhiều chính phủ đang phải oằn mình chống chọi dưới sự căng thẳng của đại dịch, đòi hỏi phải có hỗ trợ tài chính để ngăn chặn khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, cũng như khủng hoảng tài chính. Ý và nhiều nước đang phát triển rất cần sự phối hợp và hỗ trợ quốc tế.
Phối hợp để ngăn chặn sự sụp đổ có hệ thống của các nền kinh tế trên toàn thế giới là điều rất quan trọng, với sự lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và các tổ chức khác, được Hoa Kỳ khuyến khích.
Sự đoàn kết quốc tế để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Câu hỏi bây giờ là, liệu cuộc khủng hoảng hiện tại có thể biến thành cơ hội để đi một con đường khác hay không.
Ở trong nước, tình huống này có thể được sử dụng để khôi phục niềm tin vào chính phủ. Trên bình diện quốc tế, đây cũng là lúc để khôi phục niềm tin vào các tổ chức toàn cầu bằng cách đảm bảo rằng Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các cơ quan quan trọng khác của Liên hợp quốc, cũng như IMF, Tổ chức Thương mại Thế giới và Ngân hàng Thế giới, xử lý tốt đại dịch này. Vai trò của Hoa Kỳ là then chốt.
Tiếc thay, đạt được điều này trong môi trường hiện tại dường như là không thể. Bởi các nước giàu không chỉ rơi vào khủng hoảng tài chính và tiền tệ mà còn mất ý chí chính trị để hợp tác. Họ bị mắc kẹt trong một chu kỳ tăng trưởng trì trệ và nợ nần, trì hoãn các khoản đầu tư cần thiết của việc quản lý rủi ro và cơ sở hạ tầng.
Căng thẳng chính trị làm suy yếu ý chí hợp tác. Phá vỡ nó là thách thức lớn nhất của chúng ta, điều đó không dễ dàng. Nhưng, cũng là rất cần thiết nếu để giảm thiểu thiệt hại của cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn các mối đe dọa nguy hiểm hơn trong tương lai, như biến đổi khí hậu, xung đột và đại dịch.
Không có bức tường nào đủ cao để tránh các mối đe dọa đối với tương lai của chúng ta, ngay cả đối với các quốc gia hùng mạnh nhất. Hội nhập toàn cầu ngày khiến các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau. Rủi ro lớn nhất mà chúng ta gặp phải không từ bất kỳ rủi ro hệ thống riêng lẻ nào. Đó là sự thiếu sẵn sàng hợp tác với những người khác để giải quyết những vấn đề này. Tại sao chúng ta lại chần chừ?
Nguồn:http://ttvn.toquoc.vn/vi-mo/new-york-times-day-la-giai-phap-cho-khung-hoang-kinh-te-toan-cau-do-dich-covid-19-42020133101654659.htm
Đang Hoạt Động : 82
Hôm Nay : 122
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6287