Mùa vải thiều năm 2021, Bắc Giang có 28.000ha vải thiều đang trong mùa thu hoạch sản lượng lên đến 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Tuy nhiên, Bắc Giang hiện nay là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Bắc Giang đang dồn mọi nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức để đẩy mạnh tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh cho địa phương.
Chương trình lần này được tổ chức với sự phối hợp từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở NN-PTNT và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương phối hợp cùng 6 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam bao gồm Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Lazada, Postmart (VNPost) đưa vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang chính thức được mở bán bắt đầu từ ngày 6/6. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông, chương trình của bà con nông dân còn được thông tin đến người dân tại 03 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh qua hệ thống tin nhắn SMS.
Đây là lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống trên các sàn TMĐT lớn. Đây là hoạt động nhằm giúp giải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế, phù hợp với phương thức bán hàng hiện đại thời công nghệ 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Theo đó, các phương án thu mua, vận chuyển logistics thương mại điện tử cũng đã được thống nhất triển khai. Các hoạt động truyền thông, quảng bá để đáp ứng mọi đơn hàng, vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức từ xe lạnh tới phương thức hàng không và được bảo quản tốt nhằm đem tới chất lượng quả vải cao nhất đến tay người tiêu dùng.
Sàn TMĐT Voso, Sendo quảng bá sản phẩm vải thiều Bắc Giang
Trong đó, sàn TMĐT Sendo đã tổ chức cho bà con nông dân Bắc Giang thực hành livestream chốt đơn hàng tại vườn trong quy mô chương trình “Chung tay ủng hộ vải Lục Ngạn, Bắc Giang”. Đây có thể coi là cuộc chuyển giao “công nghệ bán hàng” đặc biệt từ sàn TMĐT Sendo để bà con nông dân chủ động quảng bá sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sendo cho biết: “Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với bà con nông dân để bà con tiếp cận với công nghệ mới – công nghệ livestream. Bà con Bắc Giang trực tiếp bán hàng để có thêm đầu ra cho nông sản. Thời gian đầu bà con rất e ngại vì thương mại điện tử còn mới mẻ, nhưng chúng tôi đã cử nhân viên xuống tận tỉnh, làm việc chặt chẽ với bà con về phương thức đóng gói, kết nối các đơn vị vận chuyển và đưa nông sản lên sàn TMĐT đảm bảo giữ độ tươi ngon nhất và giá tốt nhất đối với người mua”.
Vào ngày 6/6 vừa qua, bà con nông dân Bắc Giang đã có buổi bán hàng trực tuyến đầu tiên để quảng bá giới thiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn cũng như quy trình thu hoạch vải thiều đến đông đảo người tiêu dùng cả nước. Kết quả trong vòng 40 phút mở bán, bà con nông dân đã bán hết 8 tấn vải thiều. Theo đại diện Sendo, tính trong 2 ngày đầu tiên nông dân Bắc Giang đã bán được gần 50 tấn vải thiều. Sendo cũng đạt mục tiêu bán hết 100 tấn vải trong 10 ngày diễn ra chương trình. Còn đại diện Voso (Viettel Post) cho biết trong ngày 6/6, Voso đã hỗ trợ cho 15 hộ nông dân đưa sản phẩm lên Sàn, với gần 10.000 đơn hàng được chốt, tương đương 52 tấn vải được giao dịch.
Bà con nông dân Bắc Giang trực tiếp livetream bán hàng trên Sendo
Vải đang được thu gom vận chuyển để chuyển đến tay người tiêu dùng
Ngoài ra các nhân viên của Sendo, cán bộ đoàn thanh niên tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hành cách livestream, tự đưa vải thiều lên Facebook, Senlive… để quảng bá, bán hàng và chốt đơn hàng.
Ông Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang cho biết “Mục đích lớn nhất của chương trình là đồng hành cùng người nông dân tiêu thụ được nhiều sản lượng vải. Bên cạnh đó, chương trình sẽ góp một phần trong việc thay đổi tư duy kinh doanh, cũng như từng bước đưa người dân tiếp cận với hình thức bán hàng mới”.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm “Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc kết nối tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử - môi trường số là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tiếp tục triển khai mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước: ngay sau chương trình ở Bắc Giang sẽ có chương trình kết nối đồng bộ và tương tự ở tỉnh Quảng Ninh, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long”.
Như thông tin từ đại diện cơ quan quản lý, sự hợp tác của các sàn TMĐT lần này đều trên tinh thần chung tay cùng Bắc Giang. Dù rất có thể 180.000 tấn vải thiều không được tiêu thụ hết sớm như kỳ vọng, nhưng sự góp sức đó chắc chắn giúp bà con nông dân trồng vải ở Bắc Giang bước qua niên vụ 2021 đầy khó khăn, trong sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp ngành thương mại điện tử. Quan trọng hơn cả, hoạt động này sẽ giúp bà con làm quen, thích ứng với phương thức kinh doanh mới, tranh thủ cơ hội thị trường, hướng tới sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai.
Vải thiều được bán qua Sàn TMĐT là vải được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và cấp chứng nhận OCOP. Sau khi khách xác nhận đơn hàng, vải thiều mới được hái xuống tại vườn, đóng vào thùng xốp giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và theo xe lạnh tỏa về các địa phương. Tất cả trong vòng không quá 48 tiếng, diễn ra dưới sự hỗ trợ của đội ngũ của Sàn TMĐT, đảm bảo vải đến nơi vẫn giữ độ tươi ngon nổi tiếng của vải Bắc Giang.
TH
Nguồn tổng hợp
Đang Hoạt Động : 6
Hôm Nay : 190
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6355