Ngày 30/6/2020, tại Hội trường Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức hội thảo "Thuận lợi, khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm - giải pháp xây dựng thương hiệu hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ".
Hội thảo đã thu hút 90 người tham dự với sự hiện diện của các đại biểu bao gồm: ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân thành phố, bà Cao Thị Phi Vân - phó Giám đốc ITPC; bà Huỳnh Khánh Thủy Nguyên – phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp, và cùng các đại diện đến từ các Sở ban ngành của thành phố, Hội Nông dân các quận, huyện của thành phố, các đơn vị báo đài đến đưa tin tại hội thảo.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã (HTX) đang trực tiếp nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm chủ lực nêu trên vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của HTX và DN sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TPHCM, cho rằng, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM đang có những khó khăn. Tuy thành phố ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, nên chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao rất cao.
Mặt khác, việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn chưa phát huy tác dụng. Nguyên nhân chính là việc thu hút đầu tư xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ còn chậm.
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Phụ trách thu mua nông sản của Saigon Co.op đề xuất, các HTX, DN nuôi trồng, ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị, khắc phục tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ.
Các đơn vị cần có sự cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật công nghệ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa.
Ngoài các yếu tố về chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó phòng Nghiên cứu thị trường, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp đã giới thiệu các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản cho các đơn vị nông nghiệp trên địa bàn Thành phố bao gồm hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì, tem, website vầ ấn phẩm giúp cho việc tìm kiếm và mở rộng thị trường của các đơn vị nông nghiệp dễ dàng hơn và thông qua quảng cáo nhãn hiệu, nông dân thành phố sẽ tạo được long tin của người tiêu dùng.
Trong Hội thảo, bà con nông dân đã được thông tin để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình; đồng thời, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với các thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phạm Kim Ngân
Đang Hoạt Động : 94
Hôm Nay : 129
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6294