Sáng ngày 29 tháng 12 năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Công thương phối hợp một số Sở ngành liên quan tổ chức Hội nghị: “Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2022 và định hướng triển khai giai đoạn 2022 - 2032” diễn ra tại Hội trường Thành phố, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, Quận 3; nhằm điểm lại những dấu ấn trên hành trình kiến tạo nên một Chương trình mang đậm chất "thương hiệu" của riêng Thành phố Hồ Chí Minh, qua 20 năm triển khai Chương trình đã đi vào chiều sâu là nhờ vào kết quả từ việc Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện nhiều Chương trình, Đề án hỗ trợ; thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển...
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Lãnh đạo Trung ương Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lãnh đạo Thành phố Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; đồng thời, Hội nghị còn có sự tham dự của các đại diện Sở, ban ngành Thành phố, các Doanh nghiệp Thành phố là nhà bán lẻ, nhà sản xuất, nhà cung cấp, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề,… Ngoài ra, đến dự cùng có đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành lân cận.
Qua báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 - 2032 (Chương trình), Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã đánh giá thành công của Chương trình sau hơn 20 năm triển khai như sau: “Chương trình đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phố hàng hóa. Chương trình với tính chất bình ổn thị trường, cùng với các biện pháp kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, đứt gãy nguồn cung, gây ra tình trạng sốt giá như là gạo, trứng gia cầm,… Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vừa qua cũng đã linh hoạt điều chỉnh, cập nhật kịp thời góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đưa chỉ số CPI của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước. Bên cạnh những mặt tích cực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho rằng, Chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: “Chưa bắt kịp, đón đầu các xu hướng phát triển trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường cũng như trong hoạt động của từng doanh nghiệp tham gia Chương trình vẫn còn chậm. Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuy được triển khai tích cực nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vào một số thời điểm còn chưa kịp thời. Do đó, Ông Phan Văn mãi yêu cầu thời gian tới đề nghị Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển, phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp; tạo động lực cho doanh nghiệp đồng hành cùng Thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2022 và định hướng triển khai giai đoạn 2022 – 2032.
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Thành phố, trong năm 2022, đến nay Chương trình đã huy động 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng; trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Trên cơ sở này, tổng sản lượng hàng tham gia Chương trình ngày càng lớn, đủ sức điều tiết thị trường và sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá trên địa bàn thành phố, cũng như khu vực lân cận. Bên cạnh 69 doanh nghiệp sản xuất - cung ứng hàng hóa, còn có thêm 10 tổ chức tín dụng tham gia chương trình. Về lượng hàng, hiện lượng trứng gia cầm chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%... Bên cạnh đó, đã xây dựng được 10.983 điểm bán hàng bình ổn; trong đó có 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.
Thông qua Hội nghị, Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo Trung ương được lắng nghe đại diện các Doanh nghiệp, người tiêu dùng chia sẻ hiệu quả Chương trình mang lại trong quá trình 20 năm triển khai Chương trình đã có những thành công rất đáng trân trọng, không chỉ chuyển từ việc bình ổn giá trong dịp Tết mà trở thành Chương trình được thực hiện quanh năm, hướng đến an sinh xã hội, phát triển bền vững; góp phần đồng hành cùng với người tiêu dùng Thành phố. Đến nay, quy mô đã tăng nhiều lần so với giai đoạn trước, cung ứng kịp thời và ổn định cho người tiêu dùng những mặt hàng có giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng gia tăng và mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Song song đó, đồng hành cùng Chương trình còn có nhiều thương hiệu doanh nghiệp đã được người tiêu dùng biết đến và gắn liền với thương hiệu Bình ổn thị trường, hưởng ứng tích cực cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội cũng như là công tác an toàn vệ sinh thực phẩm… Chính vì vậy, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chương trình tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục, vốn và bổ sung thêm nhiều hoạt động hỗ trợ mới trong cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, định hướng của Chương trình đề ra.
Đại diện các Doanh nghiệp chia sẻ hiệu quả Chương trình tại Hội nghị (từ trái qua là Ông Nguyễn Anh Đức Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op và Ông Montri Suwanposri - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam).
Kết thúc Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng biểu dương những thành công của Thành phố trong việc triển khai thực hiện Chương trình đã mang lại những kết quả hết sức thiết thực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hoá nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá. Qua đó, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước. Trong thời gian tới, để các Chương trình tiếp tục triển khai hiệu quả, đạt được những mục tiêu đề ra, trong ngắn hạn, thành phố cần tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại ở một số khu vực, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp. Bên cạnh đó, các Doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng Doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người tiêu dùng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2002 - 2022 và định hướng triển khai giai đoạn 2022 – 2032.
Cũng nhân dịp này, Hội nghị đã tổ chức Lễ vinh danh doanh nghiệp đồng hành cùng Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương tuyên dương các Doanh nghiệp đã tích cực đồng hành đóng góp cho thành công của Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002-2022.
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 83
Hôm Nay : 101
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6266