Tiếp nối Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I, sáng ngày 20/5/2022, tại Thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đăng cai Tổ chức diễn đàn kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ II – năm 2022 với chủ đề “Hợp tác và hành động”. Tham dự và chủ trì diễn đàn có Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam; Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cùng lãnh đạo các Sở, Ngành, Đại diện các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp ngày càng trở nên phổ biến, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập kinh tế, xuất khẩu tại chỗ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp vừa khai mạc Lễ hội Sen và hôm nay được vinh dự đăng cai tổ chức Diễn đàn kết nối du lịch lần thứ II. Ông mong muốn qua Diễn đàn, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư cùng với lãnh đạo các tỉnh sẽ thảo luận, tìm ra giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Hình 1: Ông Phạm Thiện Nghĩa phát biểu khai mạc tại Diễn đàn
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với nông, lâm, thủy sản... Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.
Hình 2: Ông Hà Văn Siêu phát biểu tại Diễn đàn
Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đánh giá, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch chung của người dân nói chung đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương là những xu hướng đang trở thành những sản phẩm du lịch chủ đạo. Đây cũng là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái.
Hình 3: Ông Dương Anh Đức phát biểu tại Diễn đàn
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn có 3 bài tham luận của các chuyên gia về một số nội dung:
1. TS. Nguyến Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phổ biến “Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng ĐBSCL và TP. HCM”.
2. ThS. Võ Anh Tài – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn phổ biến “Giải pháp để du lịch nông nghiệp ĐBSCL và TP.HCM cất cánh”.
3. PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Giáo viên Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phổ biến “Thực trạng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp ĐBSCL và định hướng phát triển trong mối liên kết hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về nội dung nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình mới. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP làm thế mạnh của vùng, đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hình 4: Đại biểu trao đổi, chia sẻ tại Diễn đàn
Nhận thức tầm quan trọng và những lợi thế của du lịch nông nghiệp, những năm qua, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh được các địa phương chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chương trình tour liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế, góp phần khởi động lại hoạt động du lịch./.
Nguyễn Thị Kim Ngọc
Đang Hoạt Động : 10
Hôm Nay : 49
Hôm Qua : 65
Số Lượt Truy Cập : 7319