Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM Dương Hoa Xô, hiện nay diện tích đất nông nghiệp TP.HCM ngày càng giảm, vì vậy nếu sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống thì sức cạnh tranh nông nghiệp thành phố sẽ kém hơn so với các địa phương khác có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn.
Nhiều năm qua, thành phố đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học và đến nay đã đạt một số kết quả nhất định. Với lợi thế, là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình nhằm thúc đẩy nông nghiệp thành phố phát triển: chương trình giống cây con chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp...
Theo ông Dương Hoa Xô, thời gian tới, TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển thành trung tâm giống sản xuất, cung cấp giống chủ lực cho khu vực phía Nam. Theo đó, phát triển các sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất theo các quy trình đáp ứng điều kiện ưu đãi về thuế tại các hiệp định thương mại cũng như các yêu cầu của thị trường thế giới…
Trong năm 2017, việc áp dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố đã có bước chuyển biến rõ rệt. Một số dự án chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá và ăn trái ứng dụng công nghiệp cao đã đi vào sản xuất với diện tích gần 400 ha, tăng 385% so với năm 2016. Trong đó, có nhiều cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, với lợi nhuận từ 30 đến 40%, thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân và doanh nghiệp. Thí dụ, nhóm rau ăn lá có doanh thu bình quân khoảng 1 đến 1,4 tỷ đồng/ha/năm; hoa lan 2 tỷ đồng/ha/năm; nuôi tôm siêu thâm canh 2,7 đến 3 tỷ đồng/ha/năm; cá cảnh 10 đến 12 tỷ đồng/ha/năm.
GS.TS. Bùi Chí Bửu, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam: TP.HCM nên xem xét thực hiện đối tác công tư (PPP) trong công nghệ hạt giống. Thái Lan nhờ thực hiện tốt PPP trong công nghệ hạt giống mà hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ 3 Châu Á và thứ 12 trên thế giới về xuất khẩu hạt giống. Chính phủ Thái Lan đã thành lập các trung tâm hạt giống với tên gọi là dự án Seed Hub (Trung tâm hạt giống từng vùng), để hỗ trợ cho sản xuất và kinh doanh giống. Bốn nội dung chính của chương trình: hợp tác nghiên cứu với tư nhân để phát triển giống mới và công nghệ sản xuất hạt giống mới; hoàn thiện tiêu chuẩn phẩm chất hạt giống; phát triển nguồn nhân lực; giúp đó hệ thống quản lý...
Về giống cây trồng, TP.HCM có thế mạnh là nơi có số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nhiều nhất cả nước (47 doanh nghiệp). Từ 2010 - 2016, các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 81.000 tấn hạt giống cảc loại, trong đó có 12.109 tấn hạt giống rau. Ước tính lượng giống do các công ty trên địa bàn thành phố cung cấp hàng năm đáp ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng của thành phố và các tỉnh. Trong 6 năm qua, các doanh nghiệp cũng đã đưa vào thị trường 267 giống cây trồng mới. Bên cạnh đó, thành phố hiện có 35 phòng cấy mô, mỗi năm có khả năng sản xuất 16 triệu cây giống cấy mô các loại (chủ yếu là các giống lan).
(Theo Lan Anh/Báo Khoa học phổ thông)
Thanh Nguyễn
Đang Hoạt Động : 86
Hôm Nay : 107
Hôm Qua : 99
Số Lượt Truy Cập : 9376