Dù có tiềm năng rất lớn, nhưng để phát triển ngành lan đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, TPHCM cần quan tâm đầu tư cho công tác giống, nhằm nâng cao chất lượng và giảm phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê báo cáo ngành từ năm 2010 – 2018, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích sản xuất hoa lan có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Năm 2010, diện tích sản xuất chỉ đạt 190 ha thì vào năm 2015 đã tăng đến 310 ha (tăng 63% so năm 2010), tính đến hết năm 2018 diện tích trồng lan đã đạt mốc 375 ha (tăng 21% so với năm 2015), tỉ lệ tăng đã giảm hơn so với giai đoạn trước đó (2010 – 2015) 42%. Diện tích trồng lan của thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung ở các huyện Củ Chi (249 ha vào năm 2018), Bình Chánh (70 ha vào năm 2018). Trong đó lan mokara được trồng tập trung tại huyện Củ Chi, lan dendrobium được trồng nhiều nhất tại huyện Bình Chánh.
Diện tích trồng lan giai đoạn 2010 – 2018 (đvt: ha)
Giai đoạn từ 2010 đến 2018 lượng hoa lan (mokara, dendrobium) cung cấp ra thị trường luôn tăng qua các năm. Năm 2010 đạt khoảng 84,5 triệu cành thì đến năm 2018 đã tăng lên gấp 1,6 lần (134,5 triệu cành).
Khả năng cung ứng hoa lan TP. Hồ Chí Minh 2010 – 2018 (đvt: triệu cành/năm)
Nhìn chung giai đoạn từ 2010 – 2015 tốc độ tăng trưởng về quy mô cung ứng hoa lan tại Thành phố tăng rất nhanh, nếu so với năm 2010 tỉ trọng này tăng khoảng 35,1% vào năm 2015. Giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng cao nhưng khả năng cung ứng hoa lan của Thành phố vẫn còn tăng nhưng chậm hơn (khoảng 17,7%) so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, một số kết quả điều tra khảo sát của Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cho thấy: tháng 10 năm 2018, kênh phân phối hoa lan tại thành phố hiện nay: lượng hoa lan tiêu thụ tại thị trường Thành phố chủ yếu từ 03 nguồn chính: trồng tại chỗ, nhập từ các tỉnh và nhập khẩu từ các nước; sau đó hoa được phân bổ đi tiêu thụ theo sơ đồ dưới đây. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan (99%), nguồn lan trồng tại Thành phố chủ yếu cung cấp từ hai huyện Củ Chi và Bình Chánh chủ yếu thông qua thương lái.
Sơ đồ: Tổng quan kênh tiêu thụ hoa lan tại thành phố Hồ Chí Minh
Từ các nguồn cung ra thị trường Thành phố, hoa lan được bán cho các cửa hàng hoa (19,5%); các chợ đầu mối (45%) bao gồm chợ Bình Điền, Thủ Đức, chợ Đầm Sen; người trồng lan bán đi các tỉnh 30,5% và xuất khẩu (5%).
Đvt: 1.000 cành/đồng
STT |
Thời điểm tiêu thụ |
Bình quân sản lượng tiêu thụ/ngày |
1 |
Các ngày Lễ, Tết |
250 |
2 |
Ngày thường |
175 |
Từ những kết quả trên, thị trường hoa lan thành phố vẫn còn tồn tại những thuận lợi và khó khăn như:
- Thành phố đã ban hành chủ trương và chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng có giá trị thay thế cây lúa hiệu quả thấp, không phù hợp cho phát triển nền nông nghiệp đô thị.
- Điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho trồng hoa lan nhiệt đới, không kén đất như những cây trồng khác.
- Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường vật tư, dịch vụ xây dựng, cung cấp giống và ứng dụng công nghệ cao rất thuận lợi cho việc cải tạo thiết kế vườn và chăm sóc hoa lan.
- Là một địa phương có nhiều Viện trường nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp đô thị.
- Là nơi hội tụ nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị và du lịch trong nước và quốc tế.
- Cán cân thương mại hoa lan ở Việt Nam và cả trên thế giới đều đang thâm hụt ở mức cao do đó nhu cầu tiêu thụ hoa lan còn rất lớn.
- Công tác nghiên cứu giống, lai tạo những loài lan đặc hữu, có bản quyền còn chậm, chưa được đầu tư đúng mức đã gây ra thế phụ thuộc rất lớn vào giống từ Thái Lan - là những giống rất xưa cũ có giá trị không cao thậm chí có nguy cơ thoái hóa do tích lũy mầm bệnh tiềm tàng.
- Các cơ sở nhân giống cấy mô có quy mô và năng lực còn hạn chế, chất lượng không đồng đều và nhất là chưa đủ năng lực cung cấp giống cho nhu cầu sản xuất. Tỉ lệ nhập cây con từ Thái Lan chiếm hơn 90 % so với nhu cầu phát triển diện tích.
- Sinh vật hại đã xuất hiện thành mối lo khi diện tích phát triển thành loại cây chủ lực, trong khi đó nghiên ứng ứng dụng biện pháp phòng trị còn lúng túng chưa đổng bộ và chưa thực hiệu quả tiềm ẩn nguy cơ thành dịch hại trên diện rộng. Kỹ thuật chăm sóc bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế so với các nước trong khu vực.
- Thiếu hoặc mối liên kết 4 nhà (4N: Nhà khoa học, Nhà băng, Nhà nước, Nhà vườn và Nhà phân phối) còn lõng lẻo chưa tạo sức mạnh cho phát triển và thế cạnh tranh cho hoa lan.
Sau cùng, một số đề xuất giải pháp chủ yếu rút ra từ báo cáo tham luận “Đánh giá tiềm năng sản xuất và xu hướng thị trường hoa lan hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh” của Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp:
- Giải quyết những khó khăn trước mắt, có tính tạm thời, đó là: (i) Kêu gọi và hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng giống, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu giống từ nước ngoài; (ii) Xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp nhân giống từ nước ngoài nhằm giảm bớt áp lực chất lượng giống không đồng đều và giá giống phụ thuộc lớn vào biến động tiền tệ của nước xuất khẩu giống; (iii) Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn rộng rãi phương pháp phòng trị tổng hợp các đối tượng sinh vật hại như muỗi đục nụ hoa lan, bệnh do virus tiềm ẩn…
- Giải quyết những tồn tại mang tính lâu dài, đó là: (i) Tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống (ii) Sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế giống lan đã thuần hóa và lai tạo. (iii) Nghiên cứu kỹ thị trường hoa lan nội địa và nước ngoài nhằm xây dựng mối liên kết 4 nhà (4N) và chính sách phát triển hoa lan phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Một số hình ảnh tại Lễ Hội Festival hoa lan thành phố đã diễn ra trong tháng 4 năm 2019
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 4
Hôm Nay : 94
Hôm Qua : 58
Số Lượt Truy Cập : 6507