Nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng tăng cao. Khoảng năm 1964 – 1966, trên thế giới tiêu thụ thịt bình quân 24,2 kg/người/năm, đến năm 1997-1999 mức tiêu thụ bình quân tăng lên 36,4 kg/người/năm, riêng các nước phát triển một người tiêu thụ đến 88,2 kg/năm, dự báo con số này vẫn đang tiếp tục tăng. (Nguồn: FAO)
Người dân Việt Nam có mức tiêu thụ thịt dưới mức bình quân của thế giới. Năm 2000, mỗi người tiêu thụ 18kg/năm, đến năm 2010 tăng lên 34kg/năm, trong đó chủ yếu là thịt heo. (Nguồn: http://www.indexmundi.com)
Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng luôn phải lo lắng trong vấn đề xác định chất lượng thực phẩm. Để người dân yên tâm sử dụng thịt heo, Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM đẩy mạnh công tác phát triển đàn heo đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, đến hết tháng 5/2018, Thành phố có khoảng 160 ngàn con heo đạt chứng nhận VietGAP trong tổng đàn 340 ngàn con (đạt tỉ lệ 47%), hoàn thành vượt kế hoạch đã đặt ra cho cả năm 2018 (tỉ lệ heo đạt chứng nhận VietGAP 45%). Toàn bộ các trang trại thuộc hệ thống HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã có chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, còn có 800 nông hộ nuôi heo tại huyện Hóc Môn và Củ Chi đạt chứng nhận VietGAP thuộc Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Nuôi heo tại HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong
Trại heo thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn
Để có kết quả tốt trong công tác phát triển đàn heo đạt chứng nhật VietGAP là nhờ thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách thiết thực: hỗ trợ chứng nhận VietGAP, hỗ trợ lãi suất cho các hộ/trại chăn nuôi.
Cụ thể trong Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 (Quyết định số 655//QĐ-UBND) do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 12/02/2018, các hộ/trại chăn nuôi heo tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ sẽ được hỗ trợ từ 60% đến 100% lãi suất tùy theo hạng mục thực hiện: đầu tư xây dựng cơ bản (xây mới, cải tạo chuồng trại, xây dựng hầm biogas); mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp (hệ thống cho ăn, xử lý chất thải, máy xay, máy ép, máy nghiền, máy trộn thức ăn, máy bơm điện...); mua giống ông bà, bố mẹ để phục vụ công tác sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận. Thời gian hỗ trợ lãi vay đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động cho chăn nuoi heo thịt không quá 12 tháng; cho chăn nuôi heo nái (để lại heo con nuôi thịt) không quá 36 tháng.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thịt heo gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc, người chăn nuôi heo cần thận trọng, tránh phát triển đàn một cách ồ ạt, liên kết sản xuất cho nguồn cung ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng đàn heo theo các quy chuẩn đã đạt ban hành, để tạo niềm tin cho ngươi tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, UBND TPHCM đã phê duyệt Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, có xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ thịt heo (chuỗi thịt heo) với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu cung cấp thịt heo an toàn được kiểm soát theo chuỗi bình quân khoảng 3.000 con/ngày, chiếm khoảng 30% nhu cầu của người dân thành phố. Hiện nay, các đơn vị như: An Hạ, Thùy Dương Phát, Vissan đang hình thành chuỗi tiêu thụ thịt heo, góp phần phát triển bền vững chăn ngành chăn nuôi heo.
Lò mổ Công ty TNHH dịch vụ An Hạ
Sản phẩm thịt heo kinh doanh tại chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM (Hình sưu tầm)
Kinh doanh thịt heo tại Sagrifood
Phương Dung
Đang Hoạt Động : 12
Hôm Nay : 39
Hôm Qua : 58
Số Lượt Truy Cập : 6452