Nhắc đến quan hệ Việt Nam - Cuba là nói đến mối quan hệ truyền thống đặc biệt, vừa là đồng chí vừa là anh em. Trải qua thăng trầm của lịch sử, giờ đây, hai nước đang đứng trước những vận hội mới và cả những thách thức mới. Quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực.
Có thể khẳng định Việt Nam và Cuba có đầy đủ các yếu tố để vun đắp mối quan hệ song phương tiếp tục phát triển bền chặt hơn. Việt Nam được Cuba chọn là đối tác đầu tiên tại châu Á để cùng nghiên cứu, đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại mới vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Hiệp định được ký kết sau hai năm đàm phán (kể từ tháng 4/2016). Hiệp định này thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào 08/4/1996.
Ảnh mạng: Ngày 9/11/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Ricardo Cabrisas Ruiz đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel
Hiệp định với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới được kỳ vọng sẽ từng bước nâng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị song phương tốt đẹp.
Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba bao gồm 14 chương, quy định các vấn đề về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại… Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.
Sau khi Hiệp định được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 10/02/2020 phê duyệt “Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba”. Hiệp định chính thức có hiệu lực ngày 01/4/2020.
Trong đó để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba giai đoạn 2020-2023 về mặt thuế suất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2020 quy định Biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam.
Nghị định 39/2020/NĐ-CP gồm 02 phần:
(i) Phần lời văn của Nghị định, gồm 07 Điều, cụ thể: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba giai đoạn 2020 – 2023 (Điều 3); Quy định về Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (Điều 4); Hàng hóa từ khu phi thuế quan của Việt Nam (Điều 5); Hiệu lực thi hành (Điều 6); Trách nhiệm thi hành (Điều 7) và;
(ii) Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định.
Theo biểu thuế suất thuế nhập khẩu có 514 dòng thuế (gồm một số loại tôm, cá, mật ong, một số loại quả (như dứa, bơ, ổi, xoài,...), xi măng, quặng crôm, thuốc khử trùng, quần áo bảo hộ, thiết bị mạng không dây, đèn cho phòng mổ...) có mức thuế suất 0% kể từ ngày 01/4/2020.
Với các dòng thuế còn lại (49 dòng), Nghị định cụ thể hóa cam kết giảm thuế theo lộ trình (bao gồm các mặt hàng như nhóm đường (1701) và lá thuốc lá chưa chế biến (2401) cắt giảm thuế trong vòng 4 năm về mức thuế suất 15% (trong hạn ngạch); nhóm thuốc lá điếu, xì gà (2402) cắt giảm thuế trong vòng 4 năm về mức thuế suất 70%; nhóm rượu và đồ uống có cồn (2204) cắt giảm trong vòng 4 năm về mức thuế suất 20%).
So sánh thuế suất một số dòng thuế thuộc sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp
Mô tả hàng hóa |
Mã hàng được hưởng thuế 0% theo Nghị định 39/2020/NĐ-CP |
Thuế xuất nhập khẩu theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP |
|
Thuế xuất khẩu |
Thuế nhập khẩu ưu đãi |
||
Chương 1. Động vật sống |
01.06 |
|
5% |
Chương 3. Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác |
03.02 ; 03.03 ; 03.05 ; 03.06 ; 03.07 ; 03.08 |
0 % |
0-27 % |
Chương 4. Sản phẩm bơ sữa; trứng chim và trứng gia cầm; mật ong tự nhiên; sản phẩm ăn được gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác |
04.08 ; 04.09 |
|
10-20% |
Chương 5. Sản phẩm gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở các nơi khác |
05.05 ; 05.08 ; 05.11 |
|
0 – 5 % |
Chương 6. Cây sống và các loại cây trồng khác; củ, rễ và loại tương tự; cành hoa và cành lá trang trí |
06.04 |
|
20 % |
Chương 7. Rau và một số loại củ, thân củ và rễ ăn được |
07.06 ; 07.09 |
|
12 – 20 % |
Chương 8. Quả và quả hạch (nuts) ăn được; vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa |
08.01 ; 08.03 ; 08.04 ; 08.05 ; 08.07 ; 08.10 ; 08.12 |
0 % |
5 – 40 % |
Chương 12. Hạt dầu và quả có dầu; các loại hạt, hạt giống và quả khác; cây công nghiệp hoặc cây dược liệu; rơm, rạ và cỏ khô |
12.11 ; |
0 – 20 % |
0 – 5 % |
Chương 13. Nhựa cánh kiến đỏ; gôm, nhựa cây, các chất nhựa và các chất chiết xuất từ thực vật khác |
13.01 ; 13.02 ; |
|
5 % |
Chương 16. Các chế phẩm từ thịt, cá hay động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác |
16.05 ; |
0 % |
25 – 35 % |
Chương 17. Đường và các loại kẹo đường |
17.01 ; |
|
25 – 40 % |
Chương 18. Ca cao và các chế phẩm từ ca cao |
18.01 ; 18.04 ; 18.05 |
|
10 – 20 % |
Chương 20. Các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch (nút) hoặc các phần khác của cây |
20.07 ; 20.08 ; 20.09 ; |
|
18 – 40 % |
Chương 21. Các chế phẩm ăn được khác |
21.03 ; |
|
20 – 35 % |
Chương 22. Đồ uống, rượu và giấm |
22.02 ; 22.03 ; 22.04 ; 22.07 ; 22.08 ; |
|
17 – 50 % |
Chương 33. Tinh dầu và các chất tựa nhựa; nước hoa, mỹ phẩm hoặc các chế phẩm dùng cho vệ sinh |
33.01 ; 33.04 ; |
|
5 – 22% |
Chương 35. Các chất chứa albumin; các dạng tinh bộ biến tính; keo hồ; enzym |
35.02 ; |
|
10 % |
Chương 38. Các sản phẩm hóa chất khác |
38.02 ; 38.06 ; 38.08 ; |
|
0 – 5 % |
Chương 41. Da sống (trừ da lông) và da thuộc |
41.01 ; 41.04 ; 41.07 |
0 – 10 % |
0-10% |
Chương 42. Các sản phẩm bằng da thuộc; yên cương và bộ yên cương; các mặt hàng du lịch, túi xách và các loại đồ chứa tương tự; các sản phẩm làm từ ruột động vật (trừ ruột con tằm) |
42.02 ; |
|
25% |
Chương 44. Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ |
44.02 ; 44.20 ; 44.21 |
0 - 10 % |
5-25% |
Chương 46. Sản phẩm làm từ rơm, cỏ giấy hoặc từ các loại vật liệu tết bện khác các sản phẩm bằng liễu gai và song mây |
46.01 ; 46.02 ; |
|
20% |
Mức thuế suất các sẽ được áp dụng cho từng năm và được áp dụng từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của Bộ Công Thương nếu đáp ứng điều kiện quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi. Hàng năm, Bộ Công thương sẽ quy định số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu ngoài số lượng hạn ngạch thuế quan theo quy định của Bộ Công Thương thì số lượng nhập khẩu nằm ngoài hạn ngạch sẽ áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 và các văn bản về biểu thuế khác liên quan.
Để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt nêu trên, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 4 của Nghị định 39/2020/NĐ-CP, cụ thể là hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện:
1. Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định 39/2020/NĐ-CP.
2. Được nhập khẩu từ Cuba vào Việt Nam.
3. Được vận chuyển trực tiếp từ Cuba vào Việt Nam theo quy định của Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba, cụ thể:
a) Hàng hóa được vận chuyển không đi qua lãnh thổ của một Nước không phải là thành viên;
b) Hàng hóa được vận chuyển với mục đích quá cảnh qua một Nước không phải là thành viên bao gồm hoặc không bao gồm chuyển tải hoặc lưu kho tạm thời tại Nước đó, với các điều kiện sau:
- Việc quá cảnh vì lý do địa lý, giao nhận hoặc yêu cầu về vận tải;
- Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại lãnh thổ của Nước không phải là thành viên;
- Hàng hóa không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất hoặc gia công chế biến khác bên ngoài lãnh thổ của Nước không phải là thành viên, ngoại trừ việc dỡ hàng, bốc lại hàng và chia tách lô hàng hay bất kỳ công đoạn cần thiết nào nhằm bảo quản hàng hóa trong tình trạng tốt.
4. Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) Mẫu VN-CU.
Hiệp định được thực thi sẽ góp phần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định và thông thoáng, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Hiệp định sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Cuba lên tầm cao mới.
Để đảm bảo thực thi hiệu lực, hiệu quả Nghị định, các tổ chức, cá nhân có liên quan liên hệ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầu mối tham mưu ban hành Nghị định và theo dõi thực thi tại Bộ Tài chính là Vụ Hợp tác Quốc tế (Số điện thoại 024.2220.2828, máy lẻ: 7038 và 7030).
Nguồn tài liệu tham khảo:
https://congthuong.vn/ke-hoach-thuc-hien-hiep-dinh-thuong-mai-giua-viet-nam-va-cuba-141663.html
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/viet-nam-cuba-60-nam-co-duyen-lich-su-472868/
Nghị định 39/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 4 năm 2020
Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2017
NTTH
Đang Hoạt Động : 94
Hôm Nay : 169
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6334