Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến năm 2020, diện tích cây trồng có tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước đạt khoảng 529.000 ha (vượt 6% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp: Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là vấn đề sống còn trong việc nâng cao chất lượng, giá trị cho sản xuất nông nghiệp.
Diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm nước tăng đáng kể qua các năm. Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tưới tiết kiệm đạt khoảng 115.000 ha, đến cuối năm 2016 tăng lên 150.000 ha, cuối năm 2017 khoảng 270.000 ha. Đặc biệt, đến năm 2020 đạt 529.000 ha (tăng 91% so với năm 2017, tăng hơn 4,5 lần so với năm 2015).
Các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mạnh mẽ gồm Đông Nam Bộ (trên 181.000 ha), Tây Nguyên (trên 142.000 ha), Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 111.700 ha), Nam Trung Bộ (trên 44.000 ha), vùng thấp nhất là Bắc Trung Bộ (hơn 9.000 ha).
Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phần lớn được áp dụng cho cây lâu năm (chiếm 62%) gồm một số cây trồng chính như cà phê, chè, hồ tiêu, nhóm cây ăn quả (cam, xoài, chuối, thanh long); cây hàng năm chiếm 22%, gồm một số cây chính như mía, sắn, ngô; rau, hoa chiếm 16%.
Cũng theo ông Lương Văn Anh, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân. Theo đó, tùy từng loại cây trồng, địa phương, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 - 50%. Giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 10 - 90% (xoài 8 - 78%, cam 55 - 76%, bưởi 50 - 78%, thanh long 96%, rau 66 - 75%). Tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3 - 60%; góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10 - 30%, thu nhập của người dân từ 10 - 50%.
Về hiệu quả đối với sử dụng tài nguyên (nước và đất), giúp tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 10 - 80%; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha tới 50%; tăng mức độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 10 - 70%, giúp giảm tỷ lệ đất hoang hóa ở địa phương từ 5 - 100%.
Về hiệu quả trong ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ở những vùng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu (Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long). Tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp giảm mức độ thiếu nước, thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ 5 - 80%; giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do giảm lượng phân bón (từ 5 - 40%) trong quá trình canh tác.
Về hiệu quả trong xây dựng, phát triển bền vững nông thôn mới, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cùng với các giải pháp công nghệ về giống, phân bón, tự động hóa… góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đáng kể diện mạo, phát triển nông thôn mới…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn nhất quán quan điểm, muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp việc đầu tiên phải thực hiện là tái cơ cấu hệ thống thủy lợi. Trong tái cơ cấu hệ thống thủy lợi, việc đẩy mạnh áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đóng vai trò quyết định trong tạo cơ sở hạ tầng tốt nhất, phục vụ đầy đủ nhất cho các ngành kinh tế trong nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi,… phát triển.
“Giai đoạn 2015 - 2020, là giai đoạn đặt nền móng để ngành thủy lợi có những định hướng đúng, trúng ở giai đoạn tiếp theo, biến tưới tiên tiến, tiết kiệm nước không còn là mong muốn mà trở thành thực tế”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 năm vừa qua chương trình vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Trong đó, nhận thức của các cơ quan quản lý, người dân ở một số địa phương về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hời hợt, chủ quan, chưa chính xác như Việt Nam là quốc gia đang thừa nước, trong khi thực tế lại trái ngược. Do đó, chưa có sự đầu tư bài bản từ nghiên cứu khoa học, đến chỉ đạo ứng dụng…
Nông dân TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ứng dụng công nghệ 4.0 vào điều khiển hệ thống tưới nước tiết kiệm để tăng hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, trong 5 năm vừa qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhưng khả năng thực hiện, triển khai thực hiện không được nhiều, rất ít địa phương đầu tư kinh phí cho việc này. Dẫn tới, thiếu nguồn lực, có những nơi đủ nguồn lực thì triển khai chưa bài bản.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tổng cục Thủy lợi sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp, không thể dừng lại ở việc tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình, nếu tiếp tục làm như vậy chương trình chắc chắn sẽ thất bại.
“Không thể xây dựng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước rồi triển khai nhân rộng, đây là một hướng đi chưa chính xác, thực tế đã có trường hợp khi hết kinh phí mô hình tự tan rã mà không thể nhân rộng. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước thực sự tạo ra môi trường, điều kiện cần thiết giúp người dân nhận thức được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là vấn đề sống còn trong việc nâng cao chất lượng, giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Đưa chương trình đi vào thực tế một cách thực sự, không dừng ở việc hô khẩu hiệu”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy lợi rà soát, đánh giá tổng thể lại tất cả các vấn đề (cần phải có con số cụ thể), nhiệm vụ của từng đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện, một mình Tổng cục Thủy lợi sẽ không thể triển khai thành công.
Nên điều chỉnh lại tên gọi của chương trình thành “tưới thông minh” để thu hút người dân tham gia, tránh tư tưởng chủ quan, thờ ơ.
Xây dựng định hướng, kế hoạch để áp dụng chương trình cho tất cả các cây trồng, không chỉ dừng ở cây trồng cạn. Khi áp dụng những công nghệ mới trên thế giới, cần nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng có phù hợp với điều kiện của Việt Nam hay không, tránh trường hợp rập khuôn máy móc vì điều kiện tự nhiên của mỗi nước có sự khác nhau. Tập trung ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức trong triển khai thực hiện… Có như vậy thì việc ban hành kế hoạch mới tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong giai đoạn tới mới thực sự hiệu quả.
Về định hướng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn giai đoạn 2021 - 2025, ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt từ 700.000 - 800.000 ha (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn được tưới), nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước tưới, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trong đó, tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch, triển khai xây dựng quy hoạch thủy lợi vùng, tỉnh sau khi “Quy hoạch phòng chống thiên tai, thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045” được phê duyệt. Gắn phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn theo lợi thế vùng, miền, tập trung vào các nhóm cây chủ lực như cây ăn quả (cam, bưởi, thanh long, xoài, chuối, dứa, sầu riêng, bơ, chôm chôm, mãng cầu), cây công nghiệp lâu năm (cà phê, hồ tiêu), cây công nghiệp hàng năm (mía, lạc, hành, tỏi), rau, hoa,…
Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ lập, thiết kế dự án gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.
Trung Quân
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
https://nongnghiep.vn/nhan-thuc-ve-tuoi-tien-tien-tiet-kiem-nuoc-con-hoi-hot-chu-quan-d311381.html
Cẩm Loan sưu tầm
Đang Hoạt Động : 21
Hôm Nay : 97
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9267