Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập đang ngày càng lớn tại Việt Nam, việc nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm là điều tất yếu cần phải thực hiện nếu các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và xa hơn là phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Chuỗi giá trị không chỉ theo nghĩa hẹp là một loạt các hoạt động thực hiện trong một công ty (để sản xuất ra một sản phẩm nhất định nào đó), mà còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn đó là phải có sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau (như người sản xuất, người chế biến, thương nhân, người cung cấp dịch vụ,…). Để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm hoàn thiện, các đối tượng tham gia chuỗi phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau. Nhưng trên thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có thể hoạt động tốt chuỗi giá trị theo nghĩa hẹp nhưng lại chưa thật sự hiệu quả trong chuỗi giá trị theo nghĩa rộng.
Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, tại hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác công tư phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tại Việt Nam” diễn ra vào trung tuần tháng 12 ở thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất đối với chuỗi giá trị nông sản hiện nay đó là rào cản hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân. Vấn đề này đã được đem ra thảo luận và phân tích rất nhiều qua báo chí, các phương tiện truyền thông và thậm chí là tại các chương trình hội nghị, hội thảo có sự góp mặt của các doanh nghiệp, cũng như người sản xuất (nông dân). Nhưng cho đến nay, doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản qua thương lái và nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi thành phần thuộc chuỗi giá trị đều là những mắt xích quan trọng. Các mắt xích hoạt động kém hiệu quả thì mối liên kết sẽ khó bền vững. Đối với mắt xích là nhà sản xuất hay còn gọi là nhà nông, do không nắm rõ kỹ thuật, nhiều người đã lạm dụng các loại thuốc làm bẩn nguồn nguyên liệu và bán cho mắt xích trung gian là các thương lái. Sau đó, các thương lái sẽ cung cấp cho các mắt xích tiêu thụ và chế biến là các doanh nghiệp, các chợ đầu mối mà không có sự truy xuất nguồn gốc hay kiểm tra về chất lượng của sản phẩm. Sản phẩm làm ra từ nguồn nguyên liệu sẽ đến với người tiêu dùng. Ngày nay, cùng với việc xã hội đang ngày một phát triển, nhận thức của người tiêu dùng cũng ngày càng được nâng lên và có những đòi hỏi cao hơn về thực phẩm sao cho đảm bảo lợi ích sức khỏe của mình. Và đến một thời điểm nhất định, các mắt xích trong chuỗi giá trị ấy sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không còn phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.
Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo Quốc tế “Thúc đẩy hợp tác công tư phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm tại Việt Nam”
Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và nhà nông đã đem lại hiệu quả kinh tế to lớn. Chẳng hạn như tại Thái Lan, người sản xuất tiến hành các bước sản xuất theo qui trình GAP và sơ chế sản phẩm trước khi đưa đến cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc chế biến, đóng gói, dán nhãn và phân phối tại các cửa hàng. Bên cạnh đó, họ còn làm các bảng hướng dẫn phân loại chất lượng các sản phẩm nên sản phẩm làm ra tạo được niềm tin lớn cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, hàng nông sản nhập khẩu từ Thái Lan cũng rất được ưa chuộng.
Trong thời gian tới, nếu không có những giải pháp, hướng đi hiệu quả, thì không chỉ có hàng Thái mà nhiều mặt hàng khác từ các nước sẽ chiếm lĩnh thị trường nước ta. Chính vì vậy, thay đổi và nâng cao chất lượng chuỗi giá trị thực phẩm là điều cần thiết, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hợp tác sâu rộng với các nước khác.
Để có thể hoàn thiện một chuỗi giá trị hiệu quả cần thỏa mãn 2 điều kiện, đầu tiên là các mắt xích phải hoạt động hiệu quả. Người sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Doanh nghiệp phải đưa các thiết bị tiên tiến phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Điều thứ 2 là phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước với vai trò là chất xúc tác cho mối liên kết bền vững phải đưa ra các chiến lược khả thi với tầm nhìn trong dài hạn, để từ đó có thể ban hành các chính sách thiết thực và phải nỗ lực thực hiện để phục vụ cho việc nâng cao chuỗi giá trị, phát triển nền nông nghiệp nước nhà.
Trần Châu Nhật Huỳnh
Đang Hoạt Động : 8
Hôm Nay : 43
Hôm Qua : 58
Số Lượt Truy Cập : 6456