Trong năm 2022, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cả nước đã nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn mới phục vụ xuất khẩu nông sản. Theo đó, để có cái nhìn tổng quan hơn, sáng ngày 7/12, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) chủ trì tổ chức Diễn đàn về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, 249.
Nhằm kịp thời cung cấp thông tin đến các hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời đánh giá 1 năm triển khai đáp ứng Lệnh 248, “Quy định Quản lý & đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc”. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Diễn đàn trực tuyến về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, 249, diễn ra sáng ngày 7/12/2022
Diễn đàn được kết nối với các điểm cầu như: Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội; Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam tại TP. HCM cũng như các điểm cầu tại Sở NN-PTNT các tỉnh thành; cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm. Chính bởi điều đó, Diễn đàn kết nối nông sản 970, được diễn ra với chủ đề mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sẽ là điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi về quá trình thực hiện đáp ứng yêu cầu thị trường để tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Cùng nhau hướng tới một nền sản xuất trách nhiệm, đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm, đáp ứng mọi yêu cầu thị trường cũng như khi áp dụng Lệnh 248, 249 là cơ hội để doanh nghiệp, người nông dân sản xuất một cách bài bản, tiêu chuẩn hơn; từ đó, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn.
Tại Diễn đàn, đại diện các Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung: “Đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249: thuận lợi, khó khăn và định hướng bổ sung hồ sơ doanh nghiệp trước ngày 30/6/2023 theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Công tác triển khai thực hiện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu thị trường trung Quốc; Hướng dẫn triển khai Nghị định thư xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường trung Quốc”. Ngoài ra, cũng có một số báo cáo tham luận được đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh; các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực chia sẻ đóng góp ý kiến.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng: sau gần 1 năm kể từ khi Lệnh 248, 249 có hiệu lực, những khó khăn, vướng mắc đều được Văn phòng SPS nhanh chóng kết nối với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ. Cụ thể, tính đến ngày 5/12/2022, đã có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...
Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng SPS cũng lưu ý với một số doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy trình, quy định đăng ký doanh nghiệp theo hình thức online. Ngoài ra, còn một vướng mắc như thao tác khai báo thông tin trên hệ thống sai lệch hay tài khoản tự mở không thông qua cơ quan có thẩm quyền duyệt định danh nên bị ảnh hưởng khi làm thủ tục thông quan.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, đại diện Văn phòng SPS nhấn mạnh: để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (mục 3, Điều 5, Lệnh 248). Đối với các doanh nghiệp đăng ký nhanh năm 2021: cần nhanh chóng thực hiện việc bổ sung các thông tin đăng ký trên hệ thống CIFER trước ngày 30/6/2023 (điểm 5, mục 1, Công hàm 353) – doanh nghiệp chủ động liên hệ cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của GACC.
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 6
Hôm Nay : 169
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6334