Kỳ 1 - Hành trình vươn ra thị trường số hóa của nông sản, sản phẩm OCOP Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành yếu tố quan trọng trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội kết nối trực tiếp giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, giúp thương mại điện tử không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả nông dân, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đang chứng kiến nhu cầu gia tăng về nông sản sạch và an toàn, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp tiếp cận người tiêu dùng qua các nền tảng số hóa.
# Chiến dịch từ các sàn thương mại điện tử
Để đáp ứng xu hướng phát triển của TMĐT, các sàn lớn như Shopee, TikTok Shop và Lazada đã tích cực mở rộng danh mục nông sản từ rau củ, thịt đến các sản phẩm chế biến. TikTok Shop nổi bật với các chiến dịch “Tự hào hàng Việt” và “Chợ phiên OCOP” diễn ra vào thứ Bảy hàng tuần nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP địa phương. Chiến dịch này không chỉ giúp nhà bán hàng tiếp cận người tiêu dùng mà còn tận dụng sức mạnh của nội dung video và livestream để kể câu chuyện sản phẩm, thu hút sự chú ý và lan tỏa giá trị nông sản đến cộng đồng.
Shopee cũng không ngừng phát triển với chiến dịch “Shopee Farm” nhằm giới thiệu và quảng bá nông sản Việt, đặc biệt là các phiên livestream “Tôn vinh nông sản Việt”, giúp kết nối trực tiếp giữa người bán và người tiêu dùng. Tương tự, Lazada cũng chú trọng đến nông sản thông qua các chương trình khuyến mãi định kỳ và các sự kiện như “Ngày hội nông sản Việt”, tạo điều kiện cho nhà bán hàng dễ dàng đưa sản phẩm lên sàn và tối ưu hóa khả năng tiếp cận khách hàng. Tất cả những nỗ lực này không chỉ tạo cơ hội cho nông sản mà còn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của sản phẩm địa phương.
Hình 1 – Các chiến dịch đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của các nền tảng TikTok Shop, Shopee, Lazada
Theo thống kê của Metric.vn, doanh thu từ ngành hàng bách hóa - thực phẩm, bao gồm nông sản, đã duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, đạt trên 64% mỗi năm từ 2021 đến nay. Đặc biệt, tháng 2/2023 ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đột phá, đạt 122% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn từ người tiêu dùng đối với mặt hàng nông sản trên các sàn TMĐT. Sự gia tăng doanh thu nông sản phản ánh sự thay đổi trong nhận thức người tiêu dùng, khi họ ngày càng chú trọng đến sức khỏe và an toàn thực phẩm. Vì vậy, nông dân hiện nay không chỉ cần sản xuất đủ mà còn phải sản xuất đúng cách, với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn và chất lượng.
Một số nhà bán hàng thành công tại TP.HCM như Yến đảo Cần Giờ, Cà phê Meet More và Bột rau má Quảng Thanh (Thiên Nhiên Việt) đã trở thành những minh chứng sống động cho hiệu quả kinh doanh trên sàn TMĐT. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cũng đã đạt được nhiều đơn hàng bán bột rau OCOP thông qua các kênh TMĐT và mạng xã hội. Tại sự kiện “Chợ phiên OCOP” ở huyện Cần Giờ, công ty đã chốt được 200 đơn hàng, bằng doanh số nửa tháng. Hay như theo ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee “Hiện kênh bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng như bán online và gần đây là livestream đã chiếm hơn 50% tổng doanh số Meet More”. Bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc quản lý nhà máy Yến Đảo Cần Giờ, cho biết “Một nửa doanh số của công ty hiện đến từ bán hàng online qua các sàn như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop. Sắp tới công ty sẽ kết hợp với TikTok Shop để đẩy mạnh tiêu thụ và tham gia các hội chợ thương mại trực tuyến”. Bằng cách tận dụng các công cụ quảng cáo hiệu quả, các nhà bán hàng TP.HCM đã tiếp cận được một lượng khách hàng mới và nâng cao nhận diện thương hiệu của riêng mình.
# Chính quyền đồng hành cùng phát triển
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các sàn TMĐT, các Sở ban ngành TP.HCM cũng đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng số.
Một trong những hoạt động nổi bật là sự kiện “Chợ phiên OCOP” được tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok Shop tại huyện Cần Giờ. Sự kiện đã diễn ra với 6 phiên livestream có sự tham gia của 11 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 30 nhà sáng tạo nội dung. Phiên livestream đã thu hút hơn 350.000 người xem và đạt doanh số hơn 900 triệu đồng.
Hình 2 – “Chợ phiên OCOP” diễn ra tại huyện Cần Giờ vào tháng 10/2023 trên TikTok Shop với sự tham gia của các Nhà sáng tạo nội dung như Thiện Nhân, Huyền Phi, Min Mặn Mồi, Trung và Sen Đá
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức buổi Hội nghị với chủ đề “Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP TP.HCM trên nền tảng số” năm 2024 để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vào ngày 15/5 và 22/5 tại huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Hội nghị đã cung cấp thông tin hữu ích cho các đơn vị nông nghiệp, đồng thời lắng nghe ý kiến về việc tiêu thụ các sản phẩm theo hình thức trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Hoạt động livestream bán sản phẩm nông nghiệp tại Hội chợ – Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 vào ngày 20/6 tại Công viên Bình Phú với sự tham gia của hơn 60 sản phẩm, tiếp cận hơn 500.000 người xem trên nền tảng TikTok Shop.
Hình 3 - Nhà sáng tạo nội dung Phương Oanh Daily thực hiện livestream quảng bá sản phẩm TP.HCM trong khuôn khổ chương trình Hội nghị
Hình 4 - Phiên Live tại Hội chợ – Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM năm 2024 đã quảng bá hơn 50 sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng
Chương trình Xúc tiến thương mại điện tử mang tên “Trăm doanh nghiệp, Vạn đơn hàng, Triệu tài khoản” do Viện Nghiên cứu và Phát triển triển khai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng về TMĐT. Chương trình nhằm hướng dẫn cách tạo lập gian hàng trên các sàn TMĐT và tập huấn về chiến lược bán hàng trực tuyến. Các buổi tập huấn hoàn toàn được thực hiện bởi các chuyên gia ở các công ty, đội ngũ nền tảng TMĐT TikTok Shop.
Hình 5 - Chương trình “Trăm doanh nghiệp, Vạn đơn hàng, Triệu tài khoản” là hoạt động tập huấn hàng tháng với đa dạng chủ đề dành cho nhóm ngành nghề địa phương nhằm trang bị các kỹ năng số hữu ích
Tại chuỗi hoạt động của sự kiện “Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2024” diễn ra tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ, chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” diễn ra vào ngày 26/9 đã quảng bá hơn 300 sản phẩm từ 45 tỉnh thành qua 19 phiên livestream; hưởng ứng chương trình “Đặc sản vùng miền trên Lazada” từ ngày 10-12/10; workshop “Hành trình Lazada: Từ mô hình kinh doanh đến lợi ích cho nhà bán hàng” vào ngày 27/9 nhằm kết nối doanh nghiệp với thị trường trực tuyến, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương.
Hình 6 - Hơn 20 nhà sáng tạo nội dung cùng livestream trên TikTok Shop nhằm quảng bá sản phẩm từ khắp 45 tỉnh thành khắp Việt Nam
Kinh doanh số đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản, sản phẩm OCOP TP.HCM, giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả, nâng cao giá trị và nhận thức về đặc sản địa phương. Với sự hỗ trợ từ các sàn TMĐT cùng các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền Thành phố hứa hẹn sẽ góp phần tăng khả năng kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông dân và doanh nghiệp Thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện để sản phẩm chất lượng, an toàn đến tay người mua một cách tiện lợi, nhanh chóng.
NTT
Đang Hoạt Động : 18
Hôm Nay : 95
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9265