Trước quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Ngày 24/12/2016 vừa qua, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức buổi hội thảo “Bàn giải pháp/chính sách hỗ trợ thức đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam” tại Nhà khách Người có công, quận 1, TP.HCM. Hội thảo do ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn phát biểu tại Hội thảo
Hiện nay, ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chính, trong đó có 08 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cụ thể ước giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2016 là: cà phê (3,36 tỷ USD), cao su (1,67 tỷ USD), gạo (2,19 tỷ USD), thủy sản (6,99 tỷ USD), điều (2,84 tỷ USD), hồ tiêu (1,42 tỷ USD), rau quả (2,42 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (6,91 tỷ USD) và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, dù nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước và đã được bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu như: cấp quốc gia hiện có Chè Việt Nam với nhãn hiệu CheViet; Gạo Việt Nam. Thương hiệu địa phương và doanh nghiệp, đối với trái cây có vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh),…; đối với gạo có gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo nàng thơm chợ Đào (nhãn hiệu tập thể, Long An),…; đối với cà phê có cà phê Buôn Ma Thuột; đối với hồ tiêu có hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Lộc Ninh, hồ tiêu Quảng Trị; đối với hạt điều có hạt điều Bình Phước nhưng vẫn còn hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.
Trước thực trạng trên, những năm gần đây vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu hàng nông lâm thủy sản đã được các cơ quan trung ương, các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm, tiếp cận và triển khai. Nhiều địa phương đã hình thành các chương trình/đề án/kế hoạch chung trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Một số địa phương hình thành vùng chuyên canh, sản xuất tập trung lớn.
Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng cho rằng, hình ảnh giá rẻ - chất lượng thấp gắn với Việt Nam trong một thời gian quá dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam. Muốn thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam không những phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác sản xuất nông nghiệp, mà còn phải cho thế giới biết tới những điều tốt đẹp về thực phẩm Việt Nam. Cần phải xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh thành,
Hiệp hội và 1 số doanh nghiệp ngành hàng nông nghiệp
Bên cạnh đó cần đưa ra định hướng và giải pháp lâu dài và hiệu quả: xây dựng hệ thống quản lý Nhà nước, xây dựng thể chế quản lý thương hiệu cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế quản lý chất lượng nông sản một cách chủ động, xây dựng cơ chế phối hợp.
Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có kế hoạch xây dựng phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020 nhằm xác định cụ thể các sản phẩm nông sản chủ lực định hướng xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác.
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, thời gian tới sẽ xây dựng cơ chế cụ thể; trong đó ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của từng địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ./.
NTT
Đang Hoạt Động : 91
Hôm Nay : 24
Hôm Qua : 190
Số Lượt Truy Cập : 6379