Tại các nước tiên tiến trên thế giới việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những khâu bắt buộc phải có nếu muốn đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên ở nước ta nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thì việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm mới được quan tâm trong những năm gần đây. Sau khi có chủ trương thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản, rau củ quả, thịt heo,... của Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình.
Quy trình sản xuất trứng gia cầm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
“Từ năm 2015 Thành phố Hồ Chí Minh cũng có ban hành rất nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ cho các cơ sở, đơn vị tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc, chương trình VietGAP. Đến năm 2016, Thành phố cũng đã có chương trình rau an toàn, năm 2017 thì có chương trình an toàn thực phẩm và chương trình chuỗi liên kết. Thông qua các quy trình Thành phố nỗ lực kiểm soát được, xây dựng các vùng nguyên liệu, đáp ứng các quy trình về an toàn thực phẩm, từ những vùng sản xuất đó bắt đầu liên kết lại để tổ chức các mô hình truy xuất nguồn gốc. Thông qua việc kiểm soát đầu vào các đơn vị thu mua sẽ tập trung vào thu mua các vùng sản xuất về VietGAP. Giai đoạn 2016 thí điểm có đơn vị như là Sài Gòn Coop tham gia, tới năm 2017 thì các đơn vị tham gia bắt đầu nhân rộng hơn. Hiện tại thì các mô hình này cũng đã được các đơn vị triển khai rộng rãi trên địa bàn Thành phố. Các đơn vị thu mua cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp như hợp tác xã, các doanh nghiệp phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Theo Ông Võ Đức Duy Ân – Trưởng phòng Chứng nhận GAP – Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết các sản phẩm nông sản hay thực phẩm muốn vào được hệ thống siêu thị đều cần có mã truy xuất nguồn gốc trên từng bao bì sản phẩm. Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã hay các cơ sở sản xuất quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chế biến và cung cấp trứng gia cầm sạch tại Việt Nam với dây chuyền sản xuất hơn tám mươi ngàn trứng mỗi ngày. Từ năm 2017, Công ty Cổ phần Thực phẩn Vĩnh Thành Đạt đã bắt đầu hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trứng gia cầm của đơn vị.
Quy trình sản xuất trứng gia cầm tự động
Để có được con tem truy xuất nguồn gốc sau cùng trên từng sản phẩm, đơn vị kinh doanh cần thực hiện quy trình quản lý từ các khâu ban đầu như thông tin con giống, thông tin trang trại, các loại thức ăn trong từng giai đoạn thận chí ngay cả việc tiêm vaccine cho gà, vịt cũng được lưu lại và hiển thị khi người tiêu dùng quét mã QR. Để đảm bảo tính chính xác của các số liệu, trứng sau khi thu từ các trại nuôi sẽ được vận chuyển về nhà máy bằng phương tiện của công ty và được dán thông tin cho từng lô và bắt đầu đưa vào dây chuyền xử lý. Trong quá trình xử lý, mỗi quả trứng được in một mã code riêng biệt, Ở khâu cuối cùng của quy trình mã tem truy xuất nguồn gốc được dán bên ngoài từng hộp trứng.
Khách hàng quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Theo Ông Trương Chí Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ: “Việc truy xuất nguồn gốc thực ra mang lại lợi ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Đầu tiên là làm cho người tiêu dùng rất tin tưởng, hiện tại bây giờ trong tất cả các quầy hàng bán tại siêu thị thông tin quan trọng đầu tiên khách hàng luu ý và muốn tìm kiếm đó là nguồn gốc giúp rất nhiều khi khách hàng chọn lựa sản phẩm”.
Với lợi ích đa chiều của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người được hưởng lợi không chỉ là người tiêu dùng mà còn có các doanh nghiệp. Mặc dù khi áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì doanh nghiệp phải thêm các công đoạn và chi phí trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên việc truy xuất nguồn gốc có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát được rủi ro phát sinh trong chuỗi sản xuất, đồng thời xác minh được toàn bộ đường đi của hàng hóa khi có sự cố sẽ dễ dàng truy xuất được nguyên nhân từ khâu nào. Bên cạnh đó, đây còn là cách để tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đối với cơ quan quản lý nhà nước truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiếm soát thị trường hàng hóa cũng như việc quản lý thực phẩm sạch từ trang trại cho đến bàn ăn.
Để hiểu rõ hơn về Truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản mời quý độc giả đón xem kỳ truyền hình với chủ đề “Truy xuất nguồn gốc – Công nghệ hỗ trợ nông dân khắc phục hư hao sản phẩm”. Chương trình do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp với đài truyền hình HTV thực hiện.
Link: https://www.youtube.com/channel/UCAVD5bN11LXZOSPA2qysb4g/featured
Cẩm Loan
Đang Hoạt Động : 10
Hôm Nay : 54
Hôm Qua : 65
Số Lượt Truy Cập : 7324