Ngày 10/02/2023, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề: "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam -Trung Quốc".
Trung Quốc với dân số hiện nay khoảng 1,411 tỷ người là một trong những nước tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới và cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tỷ trọng xuất nhập khẩu (XNK) với Trung Quốc chiếm 24% tổng XNK của Việt Nam. Năm 2022 kim ngạch XNK Việt Nam - Trung Quốc là 175,5 tỷ USD.
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi - Bộ Công Thương cho biết Trung Quốc hiện nay là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam. Đặc biệt với hàng rau quả thì thị trường Trung Quốc là Thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm tỷ trọng 53,7%, trong đó: Vải thiều: chiếm tỷ trọng 90%; Thanh long: chiếm tỷ trọng hơn 80% lượng xuất khẩu ra nước ngoài.
Trung Quốc đang ngày một hoàn thiện hệ thống pháp luật: 02 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; Ban hành Lệnh 248, 249 (năm 2021); Ban hành Lệnh 259 (năm 2022). Để thích ứng với một thị trường Trung Quốc ngày một khó tính, Việt Nam cần có định hướng hợp tác kinh tế thương mại rõ ràng, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu.
Hình 1: Điều chỉnh chính sách của Trung Quốc (1)
Hình 2: Quan điểm khai thác thị trường Trung Quốc (2)
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết "Các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn. Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để biết tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải". Ông cũng lưu ý và yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm trình thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến để sớm hoàn tất các thủ tục phù hợp với quy định của Nghị định thư về tổ yến mà Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc (Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 9/11/2022 và kéo dài 5 năm và tự động gia hạn mỗi 5 năm tiếp theo nếu không có vi phạm và đề nghị chấm dứt của một trong hai bên).
Từ ngày 08/01/2023 Trung Quốc mở cửa thị trường, thì các hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1 lại diễn ra khá sôi động trái ngược với diễn biến sụt giảm của nhiều thị trường lớn trên thế giới. Hiện nay nước ta đã nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, sầu riêng, tổ yến (yến sào) và khoai lang. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, thảo quả, dứa,... Đồng thời, ông Nam cũng bày tỏ lo lắng cho nông sản Việt Nam khi Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt Lào - Trung quốc (tuyến đường dài 414 km từ thị trấn biên giới Boten giáp Vân Nam tới thủ đô Vientiane đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2021). Chiến lược của Lào là chuyển mình từ một quốc gia không giáp biển thành một trung tâm liên kết với đất liền ở Bán đảo Đông Dương. Mới đây, tuyến đường sắt này đã được nối với đường sắt Thái Lan, tạo nên cuộc đua về liên vận quốc tế. Tuyến đường này rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, nông sản xuống còn một ngày và giảm chi phí vận chuyển hơn 20%, điều đó sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Vì vậy nếu doanh nghiệp nông sản Việt Nam không cải tiến chất lượng, mẫu mã và tối ưu chi phí để tăng sức cạnh tranh thì sẽ đánh mất lợi thế và vị thế trong thị trường ngày càng khốc liệt này. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
(1), (2): Nguồn: bài trình bày diễn giả: Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương tại hội nghị ngày 10/2/2023
Đỗ Thị Nhàn
Đang Hoạt Động : 7
Hôm Nay : 53
Hôm Qua : 65
Số Lượt Truy Cập : 7323