Bên cạnh một Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sôi nổi thì vẫn còn đâu đó một Thành phố bình dị, yên bình với những làng nghề truyền thống lâu đời của ông cha từ ngày xưa truyền lại. Mặc dù hiện nay các làng nghề không còn nhộn nhịp như thuở hoàng kim, thế nhưng những con người nơi đây vẫn miệt mài giữ lửa, các làng nghề truyền thống vẫn không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu của mình góp phần tạo những điểm sáng trong sự phát triển chung của Thành phố.
Dọc theo Quốc lộ 22 hơn 30km về phía tây bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông với khoảng 100 năm tuổi nằm dọc theo bờ sông Sài Gòn hiền hòa. Ở đây hầu như nhà nào cũng có những khoảng sân được lắp đầy bằng các phên tre phơi bánh tráng trước sân. Những năm gần đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhìn thấy thương hiệu bánh tráng Phú Hòa Đông ở khắp các kệ hàng trong các siêu thị trên các tỉnh thành. Mỗi năm, làng nghề này đã cho xuất khẩu hàng ngàn tấn bánh tráng đến hơn hai mươi quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm cũng được đa dạng hóa theo nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh việc định hướng phát triển các sản phẩm, việc bảo tồn làng nghề còn được gắn kết với hoạt động du lịch hiện có tại Thành phố, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm mới tại làng nghề. Mỗi năm, làng nghề bánh tráng tại Phú Hòa Đông đón nhiều du khách từ thành phố đến đây để trải nghiệm các hoạt động làm bánh, điều này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn làm cho hoạt động sản xuất ở đây hăng hái, nhộn nhịp hơn.
Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông huyện Củ Chi
Một làng nghề khác cũng có truyền thống lâu đời cha truyền con nối tồn tại hơn 50 năm tại huyện Hóc Môn là làng nghề đan giỏ trạc. Xuất phát từ việc tận dụng nguyên liệu dồi dào có sẵn ở địa phương để đan các sản phẩm gia dụng như rổ, nia, thúng phục vụ cho sinh hoạt và buôn bán của ông bà ngày xưa. Giỏ trạc là một sản phẩm thủ công có tính thẩm mỹ không cao, trước đây được sử dụng rất nhiều trong việc chứa đựng các loại nông sản, thủy sản như trái cây, rau, quả, cá,… Nghề đan giỏ trạc có tính thẩm mỹ không cao nhưng là ngành nghề truyền thống của xã, đã góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ và người già tại địa phương.
Làng nghề đan giỏ trạc tại xã Xuân Thới Sơn huyện Hóc Môn
Hiện nay, sự phát triển làng nghề vẫn mang tính tự phát, nhiều cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu do không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất, cho nên chưa có chỗ đứng tương xứng. Trong thời gian qua, Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho các hợp tác xã làng nghề, hỗ trợ cán bộ có trình độ về công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp nhằm mục đích bảo tồn và phát triển làng nghề tại địa phương. Đồng thời xây dựng, phát triển các sản phẩm làng nghề gắn với chương trình OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
Để hiểu rõ hơn về Các làng nghề truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh mời quý độc giả đón xem kỳ truyền hình với chủ đề “Sức sống làng nghề truyền thống”. Chương trình do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp với đài truyền hình HTV thực hiện.
Link: https://www.youtube.com/channel/UCAVD5bN11LXZOSPA2qysb4g/featured
Cẩm Loan
Đang Hoạt Động : 13
Hôm Nay : 95
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9265