Hiện nay, câu chuyện làm giàu trên đất miền Tây của những tỷ phú nông dân miền đất “chín rồng” đã không còn xa lạ với những người đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ vào việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào canh tác cùng sự năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như liên kết sản xuất đã giúp những người nông dân nơi đây vươn lên thoát nghèo. Điển hình có thể kể đến các mô hình sản xuất tiêu biểu như:
- Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp): được thành lập năm 2010. Với mục tiêu phát huy hiệu quả kinh tế nhà vườn của hộ nông dân và xây dựng thương hiệu xoài cát Cao Lãnh, hợp tác xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn từng bước chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân theo quy trình sản xuất GAP cũng như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với các địa phương trong tỉnh để tạo vùng nguyên liệu GAP lớn. Hiện nay, ngoài việc cung cấp xoài cho thị trường trong nước, hợp tác xã cũng đang liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu xoài sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và New Zealand. Bên cạnh đó, hợp tác xã xoài Mỹ Xương cũng mở rộng thêm dịch vụ kinh doanh mô hình mới “Cây xoài nhà tôi” vào tháng 09/2016 để quảng bá hình ảnh “thủ phủ xoài Mỹ Xương” đến bạn bè gần xa.
- Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An): Giám đốc là ông Võ Quan Huy – lão nông được người dân địa phương gọi là “vua chuối”. Để có được 110 ha vườn chuối trị giá triệu đô như ngày hôm nay, ông đã mời các chuyên gia nước ngoài có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về Việt Nam để tư vấn, chăm sóc vườn chuối, đảm nhiệm khâu kỹ thuật đồng thời truyền đạt kinh nghiệm cho toàn bộ nhân công người Việt trong trại. Vườn chuối của ông Huy áp dụng quy trình trồng chuối khép kín và không sử dụng chất kích thích từ khâu chọn giống, tưới nước, bón phân, thu hoạch và đóng gói. Quy trình thu hoạch chuối gần như được tự động hóa bằng hệ thống dây chuyền ròng rọc từ trên cao. Do vậy, sản phẩm chuối của ông đạt chất lượng khá cao và nhanh chóng chiếm được niềm tin của nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore,…
- Công ty TNHH MTV RRFARN GREEN FRAM (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An): là công ty Nhật Bản chuyên sản xuất, nuôi trồng rau củ bằng ánh sáng nhân tạo trong môi trường vô trùng, hoạt động từ năm 2015. Với tiêu chí của công ty là “Rau sạch ăn không cần rửa”, các loại rau quả được RRFARN GREEN FARM được trồng trong môi trường kép kín, sử dụng các công nghệ cao để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, lượng nước, các dung dịch dinh dưỡng cùng các chất khoáng cần thiết cho từng loại rau trồng thích hợp. Đảm bảo tuyệt đối về chất lượng sản phẩm.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, xây dựng chuỗi liên kết từ các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan ở những vùng lân cận thành phố. Trong thời gian tới, Trung tâm cũng dự kiến tổ chức chuyến khảo sát 2 ngày (29 – 30/11/2016) tại một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu nói trên.
Kính mời Quý Đơn vị là doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (ngành hàng rau củ quả, cây ăn trái) hoặc các đơn vị có nhu cầu tham gia chuyến tham quan vui lòng đăng ký trước ngày 23/11/2016. Vì số lượng tham gia khảo sát có giới hạn nên thời hạn đăng ký có thể kết thúc sớm hơn dự kiến.
Mọi thông tin chi tiết về chuyến khảo sát và đăng ký tham dự, Quý đơn vị vui lòng liên hệ:
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp
- Chị Đinh Thị Thanh Hương – DĐ: 0983 222 994
- Anh Dương Nguyên Sang – DĐ: 0937 020 364
- Email:[email protected]
Đang Hoạt Động : 77
Hôm Nay : 118
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6283