Thực hiện Kế hoạch số 2265/KH-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 - 2032 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; theo đó, sáng ngày 21 tháng 10 năm 2022, tại Trung tâm Hội nghị 272, diễn ra buổi Hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”; nhằm đánh giá kết quả 20 năm triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, chỉ ra những ưu - khuyết điểm, bài học kinh nghiệm; qua đó làm nổi bật truyền thống đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Thành phố và quá trình phát triển từ “Bình ổn giá” đến “Bình ổn thị trường” (giai đoạn 2002 – 2022). Qua đó, đề ra phương hướng, hình thành quy chế, các giải pháp thiết thực, nâng cao hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2022 - 2032 (gọi tắt là Chương trình).
Hội thảo được Sở Công thương Thành phố phối hợp các đơn vị: Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổ chức thực hiện, dưới sự chủ trì của Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố và cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình; đại diện các Sở, ngành Thành phố, các Doanh nghiệp Thành phố là nhà bán lẻ, nhà sản xuất, nhà cung cấp, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề,… Ngoài ra, đến dự cùng có đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành lân cận.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng và triển khai Chương trình từ năm 2002 đến nay và đã trở thành thương hiệu riêng của Thành phố. Chương trình đã quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực; tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường. Đến nay, lợi ích kép từ Chương trình đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế đà tăng giá, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - người dân, thúc đẩy tăng trưởng, chia sẻ gánh nặng chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 và thời điểm mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua trong nước, thì việc giữ ổn định thị trường nội địa thông qua Chương trình có ý nghĩa rất quan trọng và đã phát huy hiệu quả tích cực không chỉ riêng tại Thành phố mà còn đóng góp lớn đến sự ổn định, cân đối cung cầu hàng hóa cả khu vực phía Nam.
Tại Hội thảo, Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố đã phát biểu chỉ đạo: “đề nghị các đại biểu cùng tham gia đóng góp nhiều ý kiến, phản biện khoa học và trên tinh thần xây dựng. Trong đó tập trung vào đánh giá tác động của chương trình bình ổn thị trường đối với các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế, cân đối lớn của thành phố thời gian qua,... Cùng với đó, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá triển khai Chương trình các năm qua, cũng như thảo luận về cơ hội, thách thức trong tình hình mới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bền vững thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2032”.
Bà Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, diễn ra sáng ngày 21 tháng 10 năm 2022, tại Trung tâm Hội nghị 272
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố cho rằng: “Với vai trò là đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố là nơi tập trung đông lao động từ các tỉnh, thành đến lập nghiệp. Do đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không chỉ cho người dân Thành phố mà cho tất cả người lao động nhập cư, đặc biệt là những người dân nghèo, công nhân, người lao động thu nhập thấp. Đây là những đối tượng chịu tác động đầu tiên và trực tiếp ngay khi giá cả hàng hóa thiết yếu có biến động luôn là trăn trở và Thành phố xem đó là trách nhiệm phải tập trung để chăm lo cho mọi người dân, phát huy truyền thống nghĩa tình của Thành phố”.
Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn Thành phố có hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và gần 400 điểm bán hàng lưu động. Ngoài hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thành phố có 235 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối), hơn 160.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ đang tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng cho người dân Thành phố mỗi ngày.
Trong khuôn khổ Hội thảo, tại phần trình bày Báo cáo tham luận, các đại biểu cũng đã đánh giá cao về tác động của Chương trình, nêu ra những nhu cầu, lợi ích cũng như khó khăn, vướng mắc khi tham gia Chương trình; đánh giá về thực trạng liên kết vùng Thành phố theo chuỗi cung ứng nông sản hiện nay. Từ đó, đại diện các doanh nghiệp sản xuất đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, liên kết vùng giữa các địa phương, nhất là các giải pháp phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu; các giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình cũng như đóng góp ý kiến hình thành Quy chế thực hiện Chương trình trong thời gian tới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn các sở, ban, ngành phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, đưa nhiều chợ đạt chuẩn tham gia Chương trình để mở rộng thêm trong giai đoạn 2022 - 2032.
Một số đại biểu tham gia trình bày Báo cáo tham luận tại Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố, nhấn mạnh những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo sẽ góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện Báo cáo tổng kết và đề ra những định hướng, giải pháp thiết thực nhằm định hình Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố trong tương lai (giai đoạn 2022 - 2032).
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố phát biểu kết thúc Hội thảo
Ngô Phạm Phương Chi
Đang Hoạt Động : 92
Hôm Nay : 158
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6323