Cơ giới hóa được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực nhằm gia tăng sản lượng sản phẩm cũng như thay thế lực lượng lao động đang có nguy cơ giảm dần, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với nền nông nghiệp Việt Nam, áp dụng cơ giới hóa đang trở thành yêu cầu cấp thiết để giảm giá thành, nâng cao chất lượng và tính đồng đều của sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Do vậy, thị trường Việt Nam trở thành nơi cung cấp máy móc phục vụ trong sản xuất nông nghiệp của một số nước tiêu biểu như Trung Quốc, Nhật Bản, Israel.
Nhận thấy tiềm năng đang lớn dần ở thị trường Việt nam, Hiệp hội các nhà sản xuất máy nông nghiệp của Ý (FederUna-coma) phối hợp với Thương vụ Ý và Tổng Lãnh sự quán Ý tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã tổ chức buổi hội thảo và chương trình kết nối doanh nghiệp với chủ đề “Thiết bị và Công nghệ Italy cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 06/06/2017.
Mục đích của hội thảo là giới thiệu đến thị trường Việt Nam các loại máy móc thiết bị phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của Italy như máy kéo, máy làm đất, thiết bị vận chuyển nguyên vật liệu, hệ thống tưới tiêu, phương tiện chuyên dụng và các loại linh kiện, phụ tùng. Các chủng loại máy móc này do 8 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Ý giới thiệu với danh mục mặt hàng từng doanh nghiệp như sau:
Hình ảnh về Hội thảo “Thiết bị và Công nghệ Italy cho ngành nông nghiệp Việt Nam”
Trong phần trao đổi, một số doanh nghiệp Việt nam cũng bày tỏ sự lo ngại về chi phí cũng như thời gian tiếp cận thị trường đối với máy móc sản xuất từ Ý. Theo đại diện của 1 doanh nghiệp: “Hiện nay, các loại máy sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hầu như được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Nguyên nhân là do trước đó các nhà đầu tư của những quốc gia này đã sẵn sàng mang thiết bị của họ sang Việt Nam để thực nghiệm thực tế, cũng như đã đưa ra giá cả hợp lý. Vậy các doanh nghiệp Ý sẽ làm thế nào để có thể cạnh tranh lại với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, các ông có sẵn sàng mang thiết bị của mình sang Việt Nam để thử nghiệm như các nhà đầu tư nước ngoài khác đã làm”.
Đáp lại nỗi băn khoăn này, đại diện các doanh nghiệp Ý, Công ty CICORIA giải đáp: “Trước đây, chúng tôi đã có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp tại Ấn Độ, và tôi nhận thấy những khó khăn mà hiện nay nước bạn đang gặp phải cũng tương tự như những khó khăn mà đất nước chúng tôi và Ấn Độ đã đối mặt. Do vậy, chúng tôi tự tin về chất lượng sản phẩm mà chúng tôi mang lại. Hơn nữa, sau buổi hội thảo này, chúng tôi sẽ có chuyến tham quan, khảo sát điều kiện khí hậu, đất đai, môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là tại tỉnh Cần Thơ, để có thể biết nhiều hơn về nhu cầu của khách hàng Việt Nam để từ đó có những điều chỉnh thiết kế máy móc, thiết bị phù hợp hơn, cũng như tính toán về giá thành hợp lý hơn”.
Sau cùng, qua buổi hội thảo lần này, nhiều doanh nghiệp Ý bày tỏ mong muốn có thể được hợp tác và đầu tư thêm nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam để có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng.
Trương Thị Kim Ngân
Đang Hoạt Động : 37
Hôm Nay : 165
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6330