Nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm đặc sắc của Thành phố cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hướng xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi để bên mua và bên bán có điều kiện trao đổi, kết nối trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường phát triển kênh phân phối hàng hóa, thông tin quy chuẩn đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố tổ chức Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị 272, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 08/3/2024.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đ/c Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố; đ/c Trần Kim Yến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố; đ/c Nguyễn Văn Dũng - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; đ/c Bùi Tá Hoàng Vũ - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương; các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cùng đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, chủ thể OCOP, các doanh nghiệp phân phối, sàn thương mại điện tử, đầu mối xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố, cơ quan báo, đài Trung ương, Thành phố.
Hình 1: Bà Trần Kim Yến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Trần Kim Yến, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố cho biết: Hiện nay, Thành phố đang trên đà tiếp tục củng cố, phục hồi, phát triển kinh tế với nhiều dấu hiệu khởi sắc, đưa hàng Việt Nam chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng. Trong đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục hướng đến sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; gắn với nhiều Chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, thực hiện kết nối các hệ thống phân phối, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên tinh thần tự nguyện, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động; cùng nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng.
Qua đó, định hướng sản xuất, góp phần nâng cao năng lực của TPHCM và các địa phương cạnh tranh với hàng ngoại nhập, phát huy được sức mạnh nội lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế Thành phố. Xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam phát triển lành mạnh, thật sự bền vững, theo hướng hiện đại, minh bạch, an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng phù hợp với nhận định “Hàng Việt chinh phục người Việt” và hướng đến những thị trường xuất khẩu khó tính.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho rằng, bên cạnh những sản phẩm của người Việt sản xuất có chất lượng, xuất khẩu đi nhiều nước, vẫn còn tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường, nhất là ở các kênh thương mại điện tử, lừa dối người tiêu dùng. Ngoài ra, có tình trạng nhà sản xuất cố ý giảm dần chất lượng để cạnh tranh về giá cả,...Trên cơ sở đó, Thành phố có kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối, tạo sân chơi chung để nhà phân phối bắt tay nhau nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn và đưa ra giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung ứng thông qua những thỏa thuận, cam kết đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa, tích cực ngăn chặn sản phẩm không an toàn, bảo đảm sản phẩm sạch đến người tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu và xu hướng của thị trường trong và ngoài nước.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng Việt Nam, doanh nghiệp phân phối nhận định tất cả các hệ thống đều phát triển rất tốt, môi trường thuận lợi với sự nổ lực của rất nhiều đơn vị sản xuất, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, hệ thống pháp luật trong nước cùng với những quy định pháp luật về hợp tác quốc tế cũng tạo điều kiện tương đối tốt cho sự hoạt động của các doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn về đo lường chất lượng, cung ứng các nhà sản xuất nên coi trọng để có sự nhìn nhận tốt hơn từ các nhà phân phối, tạo điều kiện cho việc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp được tốt hơn, đi đến sự phát triển bền vững. Vai trò của nhà sản xuất, người tiêu dùng Thành phố nói riêng, cả nước nói chung từng bước được khẳng định và các doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng lòng, tin tưởng, tham gia nội dung Chương trình hợp tác này trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cần lưu ý Chương trình phải được triển khai triệt để, hệ thống phân phối, doanh nghiệp cung ứng đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, nhưng phải tuân thủ nghiêm thỏa thuận, cam kết. Chương trình phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bán hàng, được chia sẻ thông tin thị trường để định hướng sản xuất sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam; phát động, mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”, tập trung các giải pháp định hướng, hỗ trợ sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt giúp người tiêu dùng hiểu rõ về Chương trình, chủ động tiếp cận, ưu tiên sử dụng sản phẩm đã được doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng và chịu sự kiểm soát chất lượng của 06 hệ thống phân phối lớn; cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh đạt được; nghiên cứu tìm tòi, tập trung xây dựng, tháo gỡ các khó khăn; đặc biệt là tìm các cách làm mới, đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố.
Hình 2: Lễ ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố
Tại Hội nghị đã diễn ra 3 lễ ký kết trong Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố: Đợt 1 – Lễ ký thỏa thuận triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa 06 doanh nghiệp phân phối hàng đầu, gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh; đợt 2 – Doanh nghiệp phân phối ký cam kết tiêu thụ hàng hóa với nhà cung cấp trách nhiệm; đợt 3 – Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông ký ghi nhớ phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử.
Nguyễn Thị Thúy An
Đang Hoạt Động : 2
Hôm Nay : 23
Hôm Qua : 63
Số Lượt Truy Cập : 10076