Ngày 30/6/2019 Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định Thương mai Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA). Đây được xem là thành công lớn của Việt Nam sau hơn 9 năm đàm phán với Liên minh Châu Âu. Với 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đồng thời, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Với hiệp định này, gần 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm trong vòng 7 năm và ngay sau năm 2020 hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 - chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU (Với kim ngạch xuất khẩu 42 tỉ USD, mức tăng trưởng cao 17% năm 2018), đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Hiệp định không chỉ mở cửa thị trường mà còn mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản, hạt điều, hoa quả…
Hình 1: Lễ ký kết hiệp định EVFTA với Liên minh Châu Âu ngày 3/6/2019
Cơ hội
- Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệp định EVFTA sẽ mang lại lợi ích về thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gạo, chăn nuôi…
Ví dụ như đối với nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh... cơ bản thuế sẽ giảm xuống còn 0%. Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu được giảm về 0% khi hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam "thay da đổi thịt".
Hình 2: Gian hàng giới thiệu trái cây Việt Nam tại hội chợ ở Châu Âu
-Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Hiện nay nguyên liệu dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi
- Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ngày càng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
- Môi trường kinh doanh được cải thiện: Với việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
- Đầu tư nước ngoài: Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
Thách thức
- Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội rất lớn cho Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ích thách thức từ thị trường to lớn này như:
- Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU: Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
- Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, cho biết tham gia EVFTA, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. Cụ thế, do hàng rào thuế dần được cắt giảm nên mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh. Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế.
- Ông Thắng nói thêm Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin. Doanh nghiệp cần phải tuân thủy các quy định các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo tiêu chuẩn về xã hội, lao động…
- Các rào cản TBT, SPS và yêu cầu của khách hàng: EU là một thị trường khó tính. Khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường...của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này. Đối với hạt điều, Việt Nam nhập khẩu điều thô nhiều từ Nam Phi. Trong khi đó, các nước xuất khẩu nguyên liệu đầu tư vào chế biến tại chỗ, hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, việc chế biến điều gặp một số vấn đề an toàn thực phẩm như khuẩn E.Coli. Trong khi đó, việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Hình 3: Trồng điều xuất khẩu ở Việt Nam
- Các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng: Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN và một số nước khác như Mỹ và Châu Phi. Theo Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập lấy tôm và hạt điều làm hai ví dụ điển hình khi hai mặt hàng này vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến. Với tôm, Việt Nam cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ một số nước như Ấn Độ.
Hình 4: Chế biến tôm xuất khẩu trong nhà máy
- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này.
Hiệp định EVFTA mở ra muôn vàn cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới ngày một sâu hơn. Trên sân chơi mang tính toàn cầu này với các đối thủ đẳng cấp và chuyên nghiệp về vốn, công nghệ, quản trị…, mỗi doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh khốc liệt phải tự mình luôn luôn học hỏi, điều chỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân mình và các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Lê Thị Hồng Thắm
Đang Hoạt Động : 81
Hôm Nay : 107
Hôm Qua : 99
Số Lượt Truy Cập : 9376