Thực vậy, sau khi Việt Nam Hoa Kỳ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Số liệu năm 2015 cho thấy tổng kim ngạch thương mại hai nước là 40,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 33 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu trở lại là 7,7 tỷ USD, chiếm tương ứng 5%.
Đáng chú ý là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là những ngành hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, là nội lực của nền kinh tế Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định của các doanh nghiệp Việt cũng như tạo thế mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, có thể chia hai nhóm hàng chính: Nhóm 1 là các mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng, bao gồm hàng may mặc, giày da, túi xách, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hạt điều,….. Nhóm 2 là các mặt hàng hiện vẫn do khối doanh nghiệp FDI cung ứng, bao gồm máy tính và linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải,… Riêng sản phẩm nhóm 1, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã chiếm tới hơn 24 tỷ USD, là một con số đáng khích lệ cho các ngành sản xuất trong nước.
Tình hình xuất khẩu sang thị trường trong thời ông Trump sẽ như thế nào?
Có thể nói, tuyên bố của ông Trump về vấn đề thương mại quốc tế khá rõ ràng. Ông Trump thông báo sẽ rút khỏi Hiệp định TPP ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức và yêu cầu đàm phán lại song phương các hiệp định. Không rõ ông Trump sẽ thực hiện kế hoạch thế nào, nhưng ông Trump đã phát đi thông điệp rõ ràng về việc cần đòi lại sự công bằng cho giao dịch thương mại của Hoa Kỳ với các nước.
Do đó, trong thời gian tới, trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cân tài, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nếu Việt Nam là một đối tác độc lập, có năng lực, có quyết định độc lập, cơ hội dành cho Việt Nam sẽ rất lớn. Hoa Kỳ cần thêm đối tác để làm đối trọng trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc lần này. Nhưng nếu Việt Nam lựa chọn đứng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc thì Việt Nam cũng sẽ bị dựng hàng rào thương mại và phi thương mại cao như Trung Quốc.
Việc các công ty Hoa Kỳ kiện các doanh nghiệp thép Việt Nam tạo điều kiện thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam xâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình. Đây không chỉ là lựa chọn của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý ngành. Nếu các Bộ ngành lơ là quản lý, để lọt các công ty Việt tiếp tay công ty Trung Quốc gian lận thương mại sẽ làm ảnh hưởng tới cả ngành, cả nền kinh tế.
Thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc tối huệ quốc trong giao thương hai nước, thậm chí trong điều kiện có thể, nên chủ động tạo các điều kiện lợi ưu đãi với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Có như vậy, các cơ hội giao thương, các khoản đầu tư sẽ tự động chuyển về Việt Nam khi công ty Hoa Kỳ gặp khó khăn với các đối tác Trung Quốc.
Hiện nay, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ cao không phải là điều tốt cho quan hệ thương mại lâu dài. Việt Nam nên chủ động phát triển thị trường nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không thể phủ nhận cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ là một nhân tố tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Việt – Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, các du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ trở về Việt Nam cũng sẽ góp vai trò quan trọng không kém trong việc gắn kết hai nền kinh tế hai châu lục.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2016 và bước sang một năm mới, triển vọng kinh tế xã hội năm 2017 sẽ ra sao hoàn toàn do Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước từng bước vun đúc mà thành.
VEXA – ITPC
Đang Hoạt Động : 16
Hôm Nay : 140
Hôm Qua : 103
Số Lượt Truy Cập : 6305