Tại phiên họp Chính phủ gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ sẽ cam kết tung gói tín dụng 285 ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đi kèm chính sách hỗ trợ thuế dự kiến lên tới hơn 30 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: NHNN đã tổng hợp đề nghị, nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn vốn đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký gói tín dụng lãi suất ưu đãi. “Nhu cầu vốn là lớn và có thực. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể nhu cầu lớn của khách vay chính là cần hoãn, giãn thời gian trả nợ để tránh rơi vào nhóm nợ xấu”, ông Hùng nói.
Ngày 10/3, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc NHTM Cổ phần LienVietPostbank cũng cho hay: Ngân hàng vừa phê duyệt xong các gói đề xuất vay lẻ của doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi giảm 0,5% trong 1 năm. “Chúng tôi đã cam kết dự kiến sẽ dành ra 60 ngàn tỷ cho vay ưu đãi, tuy nhiên căn cứ trên đối tượng vay là sản xuất, ngành hàng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid 19. Tuy nhiên, xét trên hồ sơ thực tế, khả năng sẽ có khoảng 20 ngàn tỷ đồng được giải ngân cho khách hàng đáp ứng điều kiện vay”, bà Vân nói.
Trước câu hỏi về nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lúc này, bà Vân cho hay, có một thực tế là thông tin dịch bệnh đang ngày càng dồn dập nên doanh nghiệp sẽ rất khó khăn và khó tính toán dự án ngay lúc này. “Quan trọng là phải sản xuất được. Thực tế doanh nghiệp muốn sản xuất thì rơi vào cảnh không có nguyên liệu đầu vào hoặc muốn bán được hàng thì lại không có đầu ra, điều này khiến chúng tôi cũng rất băn khoăn, trăn trở”, bà Vân nói.
Lo hàng hóa bị ngưng trệ
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời điểm hiện nay, việc hạ lãi suất hay “bơm” nguồn tín dụng ưu đãi không hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp, bởi khó khăn hiện tại của doanh nghiệp không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.
Dữ liệu của NHNN cho hay, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh.
Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 BIDV giảm tới 2%, huy động vốn giảm 1,6%. “Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay, bởi những tháng đầu năm, khách hàng rất ít khi đi vay. Ngoài ra, chúng ta còn phải chịu tác động kép từ dịch Covid-19”, ông Tú phân tích.
Bình luận về gói vay 285 ngàn tỷ đồng ưu đãi lãi suất, một chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều. “Khó khăn hiện tại không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ. Gói vay hỗ trợ này sẽ có tác dụng khi thị trường hồi phục còn hiện tại, ngân hàng nên tập trung hạ lãi suất vay, khoanh nợ cho doanh nghiệp sẽ thiết thực hơn”, vị này nói.
Cùng quan điểm, TS Bùi Quang Tín khẳng định, thị trường khó có thể hấp thụ được lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng này trong một sớm một chiều. Thời điểm này, bên cạnh những gói tín dụng lãi suất thấp, cách tốt nhất ngân hàng nên xem xét miễn giảm lãi vay với dư nợ hiện tại cho doanh nghiệp.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm nhẹ trong tháng 2. Hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như chính sách miễn, giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hiện nay, thanh khoản hệ thống dồi dào, ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi lãi suất tổng cộng hơn 280 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa có nhu cầu vay vốn do hàng hoá đang bị ngưng trệ vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Nguon: cafef
Đang Hoạt Động : 4
Hôm Nay : 30
Hôm Qua : 132
Số Lượt Truy Cập : 9200