Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững
Trình bày bài phân tích với chủ đề "Hành động của Việt Nam để vượt qua thách thức, vươn tới khát vọng" tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh đánh giá, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, 4 động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp mới (cách mạng công nghiệp 4.0) và thể chế kinh tế thị trường, bao gồm: (i) Khu vực tư nhân phát triển; (ii) nhân lực và đổi mới sáng tạo; (iii) Hạ tầng đồng bộ và hiện đại; (iv) Bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả và hiệu lực.
Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện những chính sách lớn nhằm khơi thông và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng.
Theo Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết để tạo điều kiện tối đa cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển như các Nghị quyết số 10, 11, 12 của Trung ương, Nghị quyết 01, 19, 27, 35 của Chính phủ…
Về xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, bộ ngành đã có tham gia xây dựng nhiều chính sách cho phát triển đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, cải cách hệ thống quản lý Nhà nước, sắp xếp lại bộ máy gắn liền với việc phân cấp, phân quyền, áp dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử đáp ứng mục tiêu chung: Xây dựng chính phủ kiến tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung và thúc đẩy tăng trưởng bền vững nói riêng.
Trong triển vọng trung và ngắn hạn, các lĩnh vực hành động ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững duy trì trong dài hạn được đề xuất tiếp tục hướng vào việc tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy và nâng cao chất lượng tăng trưởng (kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu).
Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Mạnh cũng nhấn mạnh việc cần phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia; Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các giải pháp chống chịu với biến đổi khí hậu; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực và hiệu quả Nhà nước.
Nguồn: TBKTVN
|